Hàng loạt đơn kiện, nhiều cuộc biểu tình phản đối bùng phát và lan rộng không chỉ ở Mỹ mà cả ở nhiều nước trong khu vực... Một lần nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có một quyết định gây tranh cãi khi bãi bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ dưới 16 tuổi, gọi tắt là DACA.
Quyết định này đã đẩy hàng trăm nghìn người đứng trước nguy cơ chính thức bị coi là nhập cư bất hợp pháp và đối mặt với lệnh trục xuất. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump chấm dứt DACA không chỉ sai lầm mà còn "độc ác," làm tiêu tan “giấc mơ Mỹ” của những người trẻ tuổi.
DACA có tên đầy đủ là "Chương trình Trì hoãn hành động đối với người nhập cảnh Mỹ khi còn nhỏ,” được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của cựu Tổng thống Barack Obama, theo đó trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những người đến Mỹ bất hợp pháp khi họ dưới 16 tuổi.
Chương trình này cũng cho phép những người nhập cư dưới 31 tuổi tính đến ngày 15/6/2012 có thể nộp đơn xin hoãn trục xuất trong 2 năm, được tạo cơ hội làm việc và có thể gia hạn, với điều kiện đến Mỹ trước 16 tuổi, cư trú liên tục trên đất Mỹ, phải hoàn thành bậc học trung học và không có tiền án, tiền sự. Trong 5 năm qua, khoảng 800.000 người đến Mỹ khi tuổi đời dưới 16 đã tham gia chương trình này. Ngoài ra, ước tính còn một số lượng tương đương những người nhập cư trẻ tuổi không đăng ký với chính quyền.
Tuy nhiên, với việc Tổng thống Trump quyết định bãi bỏ DACA và để cho Quốc hội Mỹ 6 tháng bàn thảo nhằm nghiên cứu dự luật thay thế, những đối tượng nhập cư nêu trên sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ một khi giấp phép cư trú tạm thời 2 năm của họ hết hạn.
[Cảnh sát Mỹ bắt giữ các nghị sỹ biểu tình phản đối bãi bỏ DACA]
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, bà Elaine Duke cho biết sau quyết định ngừng chương trình DACA, các trường hợp mới sẽ không được tiếp nhận đơn kể từ ngày 5/9/2017.
Những người đang có giấy phép làm việc theo chương trình DACA có thể giữ giấy phép đến khi hết hạn, trong khi những người có giấy phép hết hạn trong vòng chưa đầy 6 tháng có thể gia hạn trước ngày 5/10 để tiếp tục được hưởng chương trình này trong 2 năm tới.
Khi thông báo bãi bỏ DACA, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã gọi chương trình này là vi hiến, khiến việc làm của hàng trăm nghìn người Mỹ rơi vào tay những người nhập cư bất hợp pháp. Ông nhấn mạnh Chính phủ Mỹ sẽ hành động rất mạnh tay để xóa bỏ chương trình này.
Tuy vậy, chỉ có một số ít nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump. Đa số dư luận trong nước và các nước khu vực Mỹ Latinh như Mexico, El Salvador, Guatemala và Honduras - vốn có số lượng lớn công dân thuộc diện được DACA bảo trợ, đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Các đối tượng thuộc diện bị trục xuất cũng chính là lực lượng lao động quan trọng hiện nay của Mỹ.
Kể từ khi tiếp quản chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng, nhìn chung, các sắc lệnh về nhập cư của tỷ phú Donald Trump thường gây tranh cãi. Tuy nhiên, có lẽ việc vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ quyết định bãi bỏ DACA thật sự là bước đi “mất lòng dân,” khiến chính giới bất bình và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình phản đối trên đường phố, cho thấy nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Trump đang ngày càng bị chia rẽ.
“Cha đẻ” của DACA, cựu Tổng thống Obama cho rằng việc chính quyền của Tổng thống Trump xóa bỏ chương trình này là hành động "tàn nhẫn và sai lầm." Không chỉ đảng Dân chủ, nhiều đối tác của Tổng thống và chính khách đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng quyết định trên có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà nước Mỹ theo đuổi bao năm qua.
Trong một tuyên bố chung, một nhóm gồm 58 nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh đây là quyết định sai lầm và hoàn toàn không vì mục đích tăng cường an ninh quốc gia như Tổng thống Trump vẫn lập luận. Một cuộc chiến pháp lý đã chính thức bắt đầu và đến nay đã có tổng cộng 20 tiểu bang khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump về việc hủy bỏ DACA.
Các bang có đông lao động nhập cư như California, Texas, New York, Illinois, Maryland… tuyên bố họ sẽ “chiến đấu” tới cùng để bảo vệ những người nhập cư đang đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của những bang này. Họ cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Trump là hành vi phân biệt đối xử với những người nhập cư, vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng được quy định trong Hiến pháp Mỹ, gây thiệt hại cho cư dân, các thể chế và nền kinh tế của các bang này.
Theo họ, những đối tượng này luôn tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ và xứng đáng được ở lại nước Mỹ để cống hiến và thực hiện "giấc mơ Mỹ" của mình. Theo một nghiên cứu công bố tháng 1/2017, chỉ tính riêng đối với California, việc chấm dứt DACA có thể gây thiệt hại cho bang này tới 11,3 tỷ USD/năm.
Một số thẩm phán liên bang đang vận động chính quyền của Tổng thống Trump nới rộng thời hạn chót đối với các trường hợp tái đệ đơn xin được giải quyết theo chương trình DACA, cho rằng việc gia hạn sẽ giúp Quốc hội có thời gian để thông qua một giải pháp mà không ảnh hưởng đến những người trong chương trình này. Trước sự phản đối từ nhiều phía, Tổng thống Trump hiện đang tìm cách thỏa hiệp với Quốc hội, đặc biệt là lãnh đạo phe Dân chủ, để đổi lấy sự nhượng bộ trong vấn đề siết chặt an ninh biên giới.
Sau 9 tháng cầm quyền, bãi bỏ DACA là sắc lệnh hành chính thứ 3 của Tổng thống Trump trong lĩnh vực nhập cư, cho thấy quan điểm rất cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đối với vấn đề này. Nhìn lại 3 sắc lệnh, có thể thấy rằng diện đối tượng bị hạn chế nhập cư hay cư trú tạm thời tại Mỹ khá rộng, trải dài từ người nhập cư hợp pháp cho tới những người nhập cư trái phép.
Rõ ràng, Tổng thống Trump đang quyết liệt hiện thực hóa quan điểm chính trị “Nước Mỹ trên hết” và quyết tâm giành lại việc làm cho người lao động Mỹ. Tuy nhiên, chủ trương hạn chế người nhập cư chắc chắn sẽ đi ngược lại các giá trị sơ khai từ thời lập quốc của Mỹ và đang khoét sâu thêm những bất đồng trong xã hội Mỹ./.