Quyên tặng quần áo cũ: Một hành động đẹp giúp bảo vệ môi trường

Thay vì vứt quần áo cũ không còn nhu cầu sử dụng vào thùng rác, bạn hãy quyên góp cho các tổ chức từ thiện để phân loại, tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường. 
Rác thải từ quần áo cũ

Với thời trang nhanh, việc bắt kịp xu hướng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy vậy, lượng quần áo dư thừa hay cũ hỏng thường trực tiếp bị vất ra bãi rác.

Bình quân mỗi người dân Mỹ thải ra trung bình 37kg rác thải quần áo mỗi năm, với 85% trong số đó được đưa đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt mặc dù 95% có thể được tái sử dụng.

Quyên góp là một giải pháp thay thế phổ biến nhưng chỉ có khoảng 10 đến 20% quần áo quyên góp được bán tại các cửa hàng tiết kiệm. Phần còn lại trải qua một loạt hoạt động phân loại, bán lại đến tái chế ở cả Mỹ và các nước khác.

Việc quyết định nơi quyên góp sẽ tạo ra sự khác biệt lớn không chỉ đối với vấn đề môi trường mà còn đối với cộng đồng. Đây là những điều cần cân nhắc khi dọn dẹp tủ quần áo của bạn.

Quần áo cũ được xử lý như thế nào sau khi quyên góp?

Khi bạn mang quần áo đi quyên góp, trước tiên chúng sẽ được phân loại để những quần áo có giá trị nhất được bán trực tuyến trên eBay hoặc Craigslist và trong các cửa hàng tiết kiệm. Những mặt hàng ít được ưa chuộng hơn sẽ được những người mua số lượng lớn nhằm tái sử dụng và tái chế.

Những mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sẽ được chuyển đến các tổ chức từ thiện, nơi chúng có thể bắt đầu hành trình tái sử dụng toàn cầu.

Quyên góp quần áo cũ không có nhu cầu sử dụng góp phần tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. (Nguồn: Getty Images)

Nhà báo Adam Minter cho biết các tổ chức tiết kiệm nhận được số lượng quyên góp lớn và có chuyên môn, thiết bị cũng như quan hệ đối tác để xử lý và thu được nhiều doanh thu nhất có thể.

Chi phí lao động, vận chuyển và môi trường đều tăng lên, nhưng tất cả các loại quần áo quyên góp (ngoại trừ những thứ không thể sử dụng, phải chôn lấp) đều đem lại doanh thu để chuyển vào các chương trình từ thiện và phi lợi nhuận.

Cả ở Mỹ và nước ngoài, một số loại vải được tái sử dụng làm giẻ lau xe ôtô hoặc máy móc, tái chế thành sợi “mới” hoặc chuyển thành chất liệu nhồi hoặc vật liệu cách nhiệt.

Khoảng 717 triệu tấn quần áo cũ được chuyển đến các nước thu nhập thấp hàng năm để tái sử dụng hoặc tái chế. Những loại không có nhu cầu sử dụng sẽ bị đem tới các bãi chôn lấp.

Cách tốt nhất để loại bỏ quần áo cũ

Cách tốt nhất để đảm bảo quần áo tốt, có thể sử dụng được của bạn không bị lãng phí là tăng cơ hội chuyển nó đến tay người có nhu cầu.

Đầu tiên, đừng chờ đợi quá lâu nếu bạn chọn quyên góp quần áo cho một tổ chức dù lớn hay nhỏ. Mọi người quyên góp những món đồ không còn sử dụng càng sớm thì khả năng chúng được tái sử dụng càng cao.

Bất cứ nơi nào bạn quyên góp, hãy đảm bảo quần áo sạch sẽ và khô ráo. Nếu nó bị hư hỏng hoặc ố màu, đừng gửi nó đến các cửa hàng tiết kiệm.

Bạn cũng có thể giao dịch trực tiếp với những người muốn sử dụng quần áo của bạn. Đây có thể là một đợt bán hàng tại sân nhà hoặc một nhóm tặng quà trực tuyến tại địa phương.

Việc này có thể mất thời gian và phát sinh chi phí khi cần phải vận chuyển đến tay người mua hoặc đến kho rồi đến tay người mua.

Quần áo cũ có thể được tái chế cho các mục đích sử dụng khác. (Nguồn: National Geographic)

Quần áo bị ố màu hoặc hư hỏng không thể sửa chữa có thể sẽ không bao giờ được mặc lại nhưng vẫn có thể được tái sử dụng thay vì bị chôn lấp.

Bạn có thể gửi quần áo trực tiếp đến các công ty tái chế. Quần áo cũ có thể được tái chế thành vải bọc, đệm thảm, vật liệu cách nhiệt và vải lau để rửa xe, và thậm chí được tạo thành vải dệt mới.

Tái chế tốt hơn chôn lấp, nhưng quy trình này thường liên quan đến nhiều lao động chân tay với công việc lương thấp, môi trường làm việc kém, cần vận chuyển và do đó phát thải CO2 nhiều hơn, và trong trường hợp vải tái chế, cần nhiều hóa chất và nước.

Theo các chuyên gia, có thể mất thời gian để tìm ra tổ chức phù hợp có thể sử dụng các mặt hàng mà bạn muốn quyên tặng. Nhưng việc này còn hữu ích hơn là ném mọi thứ vào túi rác và hy vọng chúng sẽ đến tay người cần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục