Quyền con người tại Việt Nam được hiện thực hóa ở mọi lĩnh vực

Trong 70 năm qua, thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam được hiện thực hóa trên mọi lĩnh vực, bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân.
Quyền con người tại Việt Nam được hiện thực hóa ở mọi lĩnh vực ảnh 1Phổ cập giáo dục là một trong những thành tựu về thực hiện quyền con người ở Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 9/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học về thành tựu nhân quyền Việt Nam 70 năm qua.

Đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và Hà Nội; đại diện đại sứ quán một số nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tham dự hội thảo.

Đề dẫn hội thảo do giáo sư, tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, mục tiêu của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo, từ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng như ngày nay, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là tất cả vì con người, vì quyền con người cao cả.

Trên cơ sở kế thừa các hiến pháp trước đó, Hiến pháp mới của Việt Nam (năm 2013) đã dành trọn vẹn 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Điều đáng chú ý, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam quy định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.”

Quy định này phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, xuất phát từ bản chất của quyền con người và bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nêu rõ với chủ trương nhất quán tôn trọng và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do của người dân, việc tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người đã được Việt Nam thực hiện với tinh thần nghiêm túc, cầu thị và cởi mở, đóng góp đáng kể vào việc bảo đảm các quyền và tự do cơ bản cho người dân Việt Nam.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người và tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế khác về quyền con người. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò và đóng góp tích cực vào việc xây dựng giá trị về quyền con người nói chung trên phạm vi khu vực và quốc tế.

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, việc tham gia thực hiện nghiêm túc các cam kết, các điều ước quốc tế về quyền con người có ý nghĩa hết sức quan trọng, đóng góp vào việc thực hiện chủ trương nhất quán về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, đồng thời hỗ trợ cho quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế.

Các tham luận gửi đến, trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam trong suốt 70 năm qua trên các lĩnh vực, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam.

Các đại biểu khẳng định thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực nhân quyền là hết sức to lớn. Thành tựu đó thể hiện ở việc toàn bộ những vấn đề liên quan đến nhân quyền, quyền con người, quyền của người dân đã được khẳng định và đưa vào luật pháp; thể hiện rõ qua quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, hiện thực hóa chủ trương chung của Đảng và Nhà nước; quyền con người được hiện thực hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các đại biểu nhấn mạnh trong thời gian tới, một trong những giải pháp cần ưu tiên trong việc thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm quyền con người chính là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, tập trung cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định mới của Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân dưới ánh sáng của Hiến pháp 2013 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Các cơ quan chức năng cần tích cực rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, bảo đảm sự phù hợp của các văn bản luật, dưới luật phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trên thực tiễn.

Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo về quyền con người hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục