Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ấn Độ bất đồng trong việc quản lý đồng rupee

IMF cho rằng Ấn Độ đã chuyển từ cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi sang cơ chế được quản lý, đồng thời cho biết Ấn Độ đã can thiệp vào việc bán USD nhiều hơn mức cần thiết.

Đồng tiền mệnh giá 100 rupee của Ấn Độ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100 rupee của Ấn Độ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Ấn Độ đã can thiệp quá mức vào tỷ giá hối đoái, nhưng Ấn Độ phủ nhận đã làm bất cứ điều gì sai trái.

IMF vào ngày 18/12 đã công bố báo cáo thường niên về tình hình kinh tế của Ấn Độ, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022-10/2023, trong khuôn khổ tham vấn Điều IV nhằm phân tích điều kiện kinh tế và tài chính của các thành viên IMF.

Báo cáo ca ngợi nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, lạm phát chung đã ở mức vừa phải, thâm hụt tài khoản vãng lai dự kiến sẽ được cải thiện.

Bên cạnh đó, IMF còn tái khẳng định sức mạnh nền tảng kinh tế của Ấn Độ.

Mọi thứ dường như suôn sẻ ngoại trừ vấn đề đồng rupee. IMF cho rằng Ấn Độ đã chuyển từ cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi sang cơ chế được quản lý, đồng thời cho biết Ấn Độ đã can thiệp vào việc bán USD nhiều hơn mức cần thiết.

Tuy nhiên, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cho rằng mô tả của IMF về tỷ giá hối đoái của Ấn Độ là một cơ chế "bình ổn" thay vì thả nổi là "không chính xác và không phù hợp với thực tế" và cho biết họ "hoàn toàn không đồng ý với đánh giá của nhân viên (IMF) rằng FXI (can thiệp hối đoái) có thể vượt quá mức cần thiết để giải quyết tình trạng hỗn loạn của thị trường.”

Theo Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, “đánh giá của nhân viên IMF là ngắn hạn và bị giới hạn trong 6-8 tháng qua, và nếu thực hiện tầm nhìn dài hạn hơn từ 2-5 năm, đánh giá này này sẽ thất bại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục