Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2024

IMF điều chỉnh dự báo do khả năng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào trì trệ trong năm tới, trong lúc tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hàn Quốc xuống 2,2%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Bảy.

IMF điều chỉnh dự báo do khả năng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào trì trệ trong năm tới, trong lúc tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc chậm hơn dự kiến, giá dầu tăng và các yếu tố bên ngoài bất lợi khác.

Ngoài ra, IMF cũng nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay của Nhật Bản sẽ lần đầu tiên vượt qua Hàn Quốc sau 25 năm, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Trước đó, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản ở mức 1,4% trong tháng Bảy, nhưng hiện đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản 0,6 điểm phần trăm, lên 2%.

Nguyên nhân là do các công ty xuất khẩu của Nhật Bản được hưởng lợi từ đồng yen yếu hơn, mang lại triển vọng đầu tư khả quan hơn và thúc đẩy dịch vụ du lịch nhờ lượng khách du lịch quốc tế từ khắp nơi trên thế giới đến Nhật Bản nhiều hơn, từ đó tạo đà phục hồi cho nền kinh tế.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới xuống 2,9%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra ba tháng trước.

Dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Đức, Anh, Italy đều bị hạ trong khoảng từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm.

[Hàn Quốc: Lo rủi ro, các doanh nghiệp lớn tăng cường nắm giữ tiền mặt]

Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ tăng 0,5 điểm phần trăm, lên 1,5%, còn dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được giữ nguyên ở mức 1%.

Nguyên nhân khiến IMF điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới là khả năng lạm phát kéo dài dẫn đến lãi suất tăng cao.

Hơn nữa, tác động của cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas gần đây chưa được tính đến trong dự báo này. Nếu tình hình xung đột lan rộng ra khắp Trung Đông, nguy cơ lạm phát đình trệ (lạm phát cao trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ) sẽ gia tăng ở nhiều quốc gia, giống như hàng loạt cú sốc dầu mỏ từng xảy ra vào những năm 1970.

Tình hình của Hàn Quốc đặc biệt đáng lo ngại do nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu nhập khẩu, với gần 70% đến từ Trung Đông. Dù xuất khẩu giảm liên tiếp 12 tháng, Hàn Quốc vẫn duy trì thặng dư thương mại trong 4 tháng qua, chủ yếu nhờ giá dầu giảm so với năm ngoái. Nếu giá dầu tiệm cận trở lại ở mức 100 USD/thùng, lạm phát có nguy cơ tăng trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục