Quy hoạch thời kỳ 2021-2030: Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực phía Bắc và một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong ca làm việc. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh trong ca làm việc. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô; nằm trong hai hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.

Bắc Ninh có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và thuận lợi cho giao thương. Hiện, tỉnh tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp. Môi trường kinh doanh thuận lợi.

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và tình hình thời gian tới, ngày 8/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phấn đấu trước năm 2030 có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.

Tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích tự nhiên là gần 82km2.

GRDP bình quân 8-9%/năm

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

thanh-pho-bac-ninh-7808.jpg
Một góc thành phố Bắc Ninh. (Nguồn: Cổng thông tin Điện tử Chính phủ Xây dựng Chính sách, Pháp luật)

Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8-9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 1,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 4,0%.

GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.

Đến năm 2050, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc trung ương, thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới; là thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Tập trung nguồn lực đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ

Nhiệm vụ trọng tâm của Bắc Ninh trong thời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

Đồng thời, thực hiện thực chất, hiệu quả cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, hiện đại; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Đa dạng hóa, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao sản xuất thiết bị bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghiệp dược phẩm, y tế, thiết bị năng lượng tái tạo... nhằm nâng cao vị thế ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm mua sắm, thương mại và tiêu dùng của vùng Thủ đô; thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử; phát triển dịch vụ theo hướng đa dạng, bền vững; tập trung vào các ngành dịch vụ giá trị cao, có tiềm năng, lợi thế như: dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông, logistics, tài chính và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề

Bắc Ninh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh-Kinh Bắc; nâng cao vai trò quảng bá và giới thiệu hình ảnh của tỉnh Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế.

ttxvn-bac-ninh-3062-9125.jpg
(Toàn cảnh Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, hiệu quả và tận dụng tối đa quỹ đất; đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Phát triển nông nghiệp đô thị, thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ngành nông nghiệp và các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ-du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa nền nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Bắc Ninh là tỉnh có cơ cấu kinh tế FDI lớn, đã bị tác động trực tiếp và bị sụt giảm sâu; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp, thu hút đầu tư trong nước giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Năm 2023, GRDP giảm 9,28% so với năm 2022; 8/17 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2023 chưa hoàn thành kế hoạch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục