Quy hoạch phục hồi Di tích Đình Thổ Tang thành điểm du lịch hấp dẫn

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử và Kiến trúc-nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang (tỉnh Vĩnh Phúc).

Đình Thổ Tang. (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)
Đình Thổ Tang. (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)

Đình Thổ Tang được quy hoạch hình thành điểm du lịch văn hóa-lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm tham quan, du lịch khác của tỉnh Vĩnh Phúc, tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Đây là một trong những nội dung của Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Lịch sử và Kiến trúc-nghệ thuật Quốc gia đặc biệt Đình Thổ Tang (tỉnh Vĩnh Phúc vừa được Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt ngày 24/6/2024.

Mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc-nghệ thuật của di tích Đình Thổ Tang thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hoá dân tộc; gắn kết đồng bộ với hệ thống di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Tường và tỉnh Vĩnh Phúc.

Đồng thời, xác định ranh giới bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý cắm mốc giới di tích; xác định các khu chức năng, khu dân cư, khu vực bảo vệ cảnh quan môi trường; tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị di tích...

3006dinhThotang2.jpg
Hoành phi đình Thổ Tang với ba chữ đại tự “Hòa Vi Quý”. (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)

Theo Quy hoạch, đối với Khu vực bảo vệ I của di tích giữ nguyên ranh giới khu vực bảo vệ theo Hồ sơ xếp hạng di tích. Tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích gốc gồm Đình Thổ Tang diện tích khoảng 598m2; cổng đình, diện tích khoảng 168m2 và Ao đình (ao sen), diện tích khoảng 453m2. Xây dựng các hạng mục công trình phụ trợ, trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích...

Đối với Khu vực phụ cận di tích dọc theo tuyến đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ bến xe Thổ Tang đến chợ Giang): Hình thành vùng đệm cây xanh cảnh quan kết nối di tích với các khu vực xung quanh; là vành đai bảo vệ và cung cấp các dịch vụ bổ trợ cho di tích, được quản lý chặt chẽ về bố cục kiến trúc cảnh quan theo quy định của quy hoạch chung xây dựng thị trấn Thổ Tang đã được phê duyệt.

Về Định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch làng nghề; du lịch kết hợp mua sắm các sản phẩm, đặc sản của địa phương.

Trong số đó, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội Đình Thổ Tang; nghiên cứu bổ sung các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, một số loại hình thể thao, trò chơi dân gian của địa phương góp phần tăng sức hấp dẫn cho lễ hội; phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Đình Thổ Tang và các hiện vật có giá trị trong di tích.

Xây dựng các tuyến du lịch trên cơ sở lấy yếu tố gốc tạo nên giá trị của di tích là hạt nhân trong phát triển du lịch. Tổ chức các tour du lịch nội huyện, nội tỉnh, tour du lịch theo chuyên đề kết nối Đình Thổ Tang với các điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh như đình Phương Viên, Chùa Tùng Vân, Đền Trúc Lâm, Đình Thủ Độ, Khu du lịch sinh thái Đầm Rừng... góp phần gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch.

Đình Thổ Tang nằm ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, thờ danh tướng Phùng Lân Hổ có công đánh giặc Nguyên Mông ở thế kỷ 13.

Tương truyền, danh tướng Phùng Lân Hổ quê ở làng Đồng Bằng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây (nay là Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, vua Trần xuống chiếu vời người tài đánh giặc. Phùng Lân Hổ xin đi và được vua Trần cho cầm quân bộ đánh giặc mặt Bắc.

Ông dẫn quân lên vùng Gia Ninh (Bạch Hạc, Phú Thọ ngày nay) bày binh bố trận lập phòng tuyến chiến đấu ngoan cường, bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Chiến thắng quân Nguyên Mông, triều đình luận công ban thưởng. Phùng Lân Hổ được ban tước Hầu (Lân Hổ Hầu) và làm quan trong triều, nhưng ông từ chối xin được về quê phụng dưỡng mẹ già.

Ngày nay, lễ hội Đình Thổ Tang được chính quyền và người dân địa phương tổ chức từ ngày 10-15 tháng Giêng hàng năm.

3006dinhThotang3.jpg
Bức phù điêu “Uống rượu” tại đình Thổ Tang.

Trải qua hàng trăm năm đến nay đình Thổ Tang còn bảo lưu được tương đối nguyên vẹn kiến trúc thời Hậu Lê.

Đình được xây dựng với quy mô đồ sộ, gồm hai tòa kiến trúc bố cục theo hình “chữ Đinh” với đại bái 5 gian 2 dĩ và 2 gian hậu cung, dựa trên hệ thống 60 cột làm bằng gỗ tốt đại khoa (đường kính cột cái là 0,8m, cột quân 0,6m) tạo ra diện tích sử dụng gần 400m2.

Kết cấu bộ vì chính của đình theo kiểu thức “chồng rường- giá chiêng”, liên kết phía dưới theo lối “thượng chồng cốn, hạ kè- bẩy”, đây là kiểu kiến trúc khá đặc trưng cho các ngôi đình có niên đại sớm (thế kỷ 17-18) đã tạo ra nhiều hơn các mảng cấu kiện kiến trúc để người thợ dân gian thoải mái phô diễn các mảng chạm trổ tinh xảo.

Trong đình hiện còn lưu giữ được 21 bức chạm khắc gỗ độc đáo và hết sức tinh tế trên các thành phần kiến trúc: thân kè, thân bẩy, thân rường. Đây là những di sản vật thể, minh chứng cho sự tài hoa và phồn thịnh của vùng đất học, đất nghề, đất giao thương với trăm miền.

Đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc dân tộc ở đình Thổ Tang là mái cong hình thuyền, cấu trúc nhà sàn, kỹ thuật trong xây cất công trình gỗ, chọn hướng và thế đất, kiến trúc, tỷ lệ kiến trúc và con người, quá trình thích ứng với tự nhiên, khí hậu, thể hiện tư duy, thẩm mỹ, tâm lý của người Việt.

Với những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đó, Đình Thổ Tang được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt năm 2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục