Biến đổi khí hậu đã tạo ra những thách thức lớn cho các quốc gia và địa phương, mặt khác được nhìn nhận như những cơ hội để cải thiện công tác quy hoạch ở các cấp hướng tới phát triển bền vững hơn.
Trong bối cảnh này, quy hoạch chiến lược vùng là một cách tiếp cận quy hoạch mới, tập trung vào các sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương và sự hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cùng hợp tác phát triển, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh về kinh tế cho toàn vùng và lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu trong khung quy hoạch vùng, hướng tới phát triển vùng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu
Theo tiến sỹ Cao Ngọc Lân, Trưởng ban phát triển vùng Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và đầu tư, mặc dù tăng trưởng kinh tế đã cải thiện một cách đáng kể điều kiện sống cho nhiều người dân Việt Nam, nhưng những thách thức mới đã xuất hiện do tốc độ đô thị hoá nhanh, bao gồm sự gia tăng đói nghèo, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị cơ bản, tăng sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.
Tăng trưởng kinh tế đi kèm với việc khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên và sự gia tăng khí nhà kính.
Những thay đổi về cơ cấu sử dụng đất do phát triển công nghiệp đã dẫn đến sự lan rộng của đô thị cũng như sự suy giảm không gian xanh và đa dạng sinh học.
Ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông vận tải đang trở thành một trong những vấn đề lớn nhất đối với các đô thị Việt Nam, do số lượng xe ôtô tăng lên, đặc biệt là ở khu vực đô thị.
Một thách thức khác là vấn đề ô nhiễm nguồn nước do mở rộng sản xuất công nghiệp, thực thi chưa đầy đủ các quy định về môi trường và thiếu các công trình xử lý nước thải.
Biến đổi khí hậu, với các tác động trực tiếp lên cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế, dịch vụ và các khu định cư của con người, có thể làm trầm trọng thêm những thách thức của đô thị hóa.
Ở Việt Nam tác động của biến đổi khí hậu đã thể hiện rất rõ. Trong giai đoạn 1990-2009, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu về tác động của các thiên tai liên quan đến khí hậu, trung bình mỗi năm có tới 457 người thiệt mạng và tổn thất lên đến 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP trong giai đoạn này.
Do Việt Nam có đường bờ biển dài, nhiều vùng và đô thị sẽ chịu ảnh hưởng bởi bão lụt và nước biển dâng. Nước biển dâng kết hợp với triều cường là một mối đe doạ nghiêm trọng đối với các vùng đồng bằng ven biển ở Việt Nam và có thể gây ra tổn thất lớn về tài sản và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, gián đoạn giao thông và hệ thống cấp nước, thậm chí có thể dẫn đến việc phải sơ tán người dân đi nơi khác.
Báo cáo đánh giá lần thứ tư của Tổ chức quốc tế về biến đổi khí hậu IPCC ước tính, vào năm 2050 hơn 1 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của xói lở bờ biển và mất đất do mực nước biển dâng.
Tăng tần số và cường độ của lũ lụt cũng có thể dẫn đến thiệt hại về người, tài sản, khiến người dân phải di dời. Lũ lụt là một trong những thảm họa tốn kém nhất và gây thiệt hại lớn nhất mà các nhà quy hoạch và người dân đô thị ở Việt Nam phải đối mặt.
Những thách thức về quy hoạch vùng
Trước những thách thức về khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy thoái môi trường, những năm gần đây, các nhà quy hoạch đã nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới để kích thích tăng trưởng, các vấn đề môi trường toàn cầu - đặc biệt là biến đổi khí hậu - được nhìn nhận như những cơ hội mới.
Quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu không khác biệt đáng kể so với cách tiếp cận quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thông thường, nhưng cách tiếp cận này yêu cầu các nhà quy hoạch xem xét những nội dung về biến đổi khí hậu trong quá trình lập quy hoạch phát triển.
Ngoài ra, quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, đặc biệt là ở cấp vùng do quy hoạch vùng cho phép liên kết giữa các quy hoạch ngành và các dự án cũng như giữa các yếu tố tự nhiên, kinh tế xã hội và không gian mà thông qua đó có thể thấy rõ tác động của biến đổi khí hậu.
Một số vấn đề biến đổi khí hậu như quản lý tổng hợp tài nguyên nước và thích ứng đòi hỏi sự cam kết và hành động ở cấp vùng và trong nhiều trường hợp, các quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển của tỉnh và thành phố không giải quyết được những vấn đề của đô thị hóa, công nghiệp hóa và biến đổi khí hậu.
Có một số thách thức quan trọng trong quá trình lồng ghép các nội dung biến đổi khí hậu trong quy trình quy hoạch phát triển của Việt Nam. Đó là khung pháp lý và chính sách về lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển ở Việt Nam chưa đề cập đến quy hoạch vùng.
Theo Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và Chiến lược Quốc gia về ứng phó với Biến đổi khí hậu, thì các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm lập và thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và lồng ghép biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch hiện có.
Mặc dù Luật Quy hoạch đô thị xem xét biến đổi khí hậu thông qua các quy định về đánh giá môi trường chiến lược nhưng Luật này không bao gồm quy hoạch vùng.
Bên cạnh đó, trong khi Luật Xây dựng đề cập đến quy hoạch vùng, lại chưa có những quy định trong ngành xây dựng về việc lồng ghép biến đổi khí hậu trong quy trình quy hoạch và hoạch định chính sách ở cấp vùng.
Bản chất liên ngành của các vấn đề biến đổi khí hậu cũng như sự mâu thuẫn về lợi ích của các bên liên quan khác nhau, gây ra khó khăn trong quá trình hài hòa lợi ích của các bên.
Ở Việt Nam, các chính sách và trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu thường gắn liền với những ngành liên quan đến môi trường, dẫn đến thực tế là biến đổi khí hậu chưa được các ngành khác xem xét đầy đủ.
Các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của từng ngành, trong khi vẫn còn thiếu các cơ chế phối hợp giữa các ngành trong lĩnh vực này.
Mặc dù một số vấn đề về biến đổi khí hậu đòi hỏi sự cam kết và hành động ở cấp vùng, nhưng hiện tại vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các tỉnh trong việc quản lý và thực hiện các quy hoạch vùng.
Các quy hoạch vùng hiện đang được xây dựng với tư duy về trách nhiệm cụ thể của từng tỉnh chứ không phải với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong cùng một quy trình. Do đó, vẫn chưa đi đến một kế hoạch đầu tư để huy động các nguồn lực nhằm thực hiện những nỗ lực chung trong phát triển vùng bền vững.
Trong nhiều trường hợp, các giải pháp công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng trong một đơn vị hành chính nhưng chưa xem xét ảnh hưởng đối với toàn vùng, dẫn đến sự gia tăng rủi ro thiên tai cho các khu vực khác trong vùng.
Thực tế là mỗi tỉnh chỉ tập trung vào các tác động và giải pháp trong địa giới hành chính của mình nên đã bỏ qua các cơ hội phát triển kinh tế dựa trên những nguồn lực đa dạng, đồng thời hạn chế việc thực hiện các sáng kiến về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sự hợp tác với các tỉnh trong vùng.
Điều này cho thấy những thách thức về thể chế cần được giải quyết thông qua đổi mới phương pháp luận quy hoạch vùng và những thay đổi trong cơ cấu quản trị địa phương./.