Quy hoạch nông nghiệp lỏng lẻo, đầu ra nông sản sẽ còn gặp khó

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu biên giới đã tồn tại từ nhiều năm, thường xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc quy hoạch rất lỏng lẻo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Vũ Huy Hoàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tình trạng ùn ứ các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu, hành tím, gạo… liên tục diễn ra tại các cửa khẩu biên giới đã phản ảnh một thực tế về sự yếu kém trong mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa quy hoạch với thực tế sản xuất.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trao đổi với báo chí nhằm làm rõ hơn những thông tin về sản xuất cũng như các giải pháp mà các bộ ngành sẽ triển khai đối với nhóm hàng nông lâm sản trong thời gian tới.


- Thưa Bộ trưởng, việc ách tắc mặt hàng nông lâm sản tại các cửa khẩu liên tục diễn ra, vậy đây có phải do yếu kém trong quy hoạch không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tình trạng ùn ứ một số nông sản tại cửa khẩu biên giới đã tồn tại từ nhiều năm, thường xảy ra với những mặt hàng nông nghiệp không có quy hoạch hoặc quy hoạch rất lỏng lẻo. Chẳng hạn như dưa hấu, tôi được biết hiện chưa có quy hoạch diện tích trồng trên cả nước.

Đây lại loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên ở nhiều địa phương, người dân tận dụng mùa vụ giữa hai mùa lúa để tranh thủ trồng dưa tăng thu nhập. Việc tự phát này không ai kiểm tra, không ai quy định, tính toán, nên sản lượng tăng đột biến. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng dưa hấu hiện chủ yếu tiêu thụ trong nước. Năm 2014, nông dân trồng hơn một triệu tấn dưa, thì 700.000 tấn tiêu thụ nội địa.

Với các sản phẩm đã có quy hoạch hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này. Chẳng hạn như lúa, Việt Nam đang duy trì chỉ tiêu diện tích ở mức 3,8 triệu hécta một năm thì sản lượng không thể tăng đột biến, có thể chủ động tính toán giữa cung cầu và tìm kiếm thị trường. Cà phê cũng vậy, không có tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu trừ khi năm đó, cả thế giới được mùa thì tiêu thụ mới khó hơn chút ít.

- Vậy với dưa hấu và một số mặt hàng nông sản khác tại sao tình trạng ùn ứ luôn xảy ra tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam hiện nay chủ yếu là sang Trung Quốc, nhất là qua Tân Thanh (Lạng Sơn). Chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần tại đây. Theo tôi, không phải do phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu mà do các điều kiện của họ.

Thứ nhất là chất lượng, mẫu mã, kích cỡ sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn. Không ít trường hợp thương lái thu mua trong dân mang lên đây không có hợp đồng trước, không có chọn lọc kỹ càng, họ phải chọn khắt khe. Thứ hai là khu vực tập kết phía Trung Quốc có diện tích nhỏ, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe một ngày. Trong khi phía Việt Nam có lúc lên tới 1.000 xe.

Về vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo lên Bộ Công Thương từ vài năm trước, liên bộ Công Thương-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã khuyến cáo địa phương trồng nhiều dưa, nhất là các tỉnh miền Trung, trong đó chúng tôi đề nghị khi đưa dưa lên thì cần liên hệ với Lạng Sơn và các cơ quan để có giải pháp điều tiết, kéo dài thời gian thông quan, không bị ách tắc. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng biết được thông tin đó.

Thiệt hại chính khi nông sản ùn ứ tại cửa khẩu là thương lái. Nhưng khi thương lái không tiêu thụ được thì quay lại ép giá bà con nông dân. Cuối cùng nông dân vẫn là người chịu thiệt. Đấy là một bài học kinh nghiệm.

- Đã tồn tại từ nhiều năm, vậy lần này các cơ quan chức năng có giải pháp gì căn cơ để hỗ trợ nông dân ?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi nghĩ rằng với vấn đề này chỉ có một cách. Đầu tiên chính quyền địa phương và các Bộ ngành phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân, vận động kết nối với thương lái, doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… vì chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính. Nếu tiêu thụ trong nước tốt thì chắc chắn không xảy ra vấn đề này.

Về thông quan, chúng tôi đã bàn với một số địa phương mở rộng và xây dựng thêm khu tập kết, bảo quản và chọn lọc. Cơ quan quản lý bằng các hàng rào kỹ thuật, những biện pháp được phép, không phải mệnh lệnh hành chính, sẽ tìm cách bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước...

Tuy nhiên, rõ ràng thời gian vừa qua tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề. Vấn đề hết sức quan trọng là phối hợp, hợp tác đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Chúng ta không thể trách người nông dân được, vì họ vốn dĩ phải vì cuộc sống mà phải bươn chải, thấy cái gì có lợi theo chủ quan thì người ta làm. Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành công thương cũng có trách nhiệm.

- Bộ Công Thương sẽ có những biện pháp gì để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Trước hết phải khẳng định là cần rất nhiều cơ quan cùng tham gia tiêu thụ nông sản chứ không chỉ có ngành thương mại. Đầu tiên phải đi từ quy hoạch, sản xuất. Tất cả những gì mình làm ra phải xuất phát từ khâu sản xuất, cơ quan Nhà nước phụ trách lĩnh vực đó phải có hướng dẫn, trồng cây gì, nuôi con gì để tiêu thụ được, kể cả trong nước chứ không chỉ có xuất khẩu.

Bộ Công Thương được giao trách nhiệm tìm thị trường xuất khẩu và Bộ cũng đã có rất nhiều biện pháp khác nhau trong thời gian vừa qua. Ví dụ việc xúc tiến thương mại đã làm được mấy chục năm, các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài được giao nhiệm vụ tìm kiếm thị trường cho hàng hoá, trong đó có nông sản. Ngoài ra, chúng tôi còn đàm phán và tham gia các Hiệp định thương mại tự do, ưu tiên tìm cách xuất khẩu được hàng nông sản của Việt Nam, những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như gạo, cao su, hồ tiêu, đường, một số trái cây khác...


- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu nông lâm sản ước đạt 6,4 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với giảm 582 triệu USD).

Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch giảm do yếu tố mùa vụ như: thủy sản giảm 15%; cà phê giảm 38,3%; gạo giảm 5%.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục