Ngày 14/4, tại Hà Nội Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Ông Nguyễn Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu da giầy, cho biết nội dung chủ yếu điều chỉnh quy hoạch lần này nhằm phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, chính xác thực trạng phát triển và các tiềm năng, lợi thế của ngành da giầy; đồng thời tìm ra những khó khăn, hạn chế, thách thức cần chỉnh sửa và khắc phục trong thời kỳ quy hoạch.
Quy hoạch cũng bổ sung một số yếu tố mới có tác động và ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp da giầy trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khôi, sau 5 năm thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển ngành da giầy Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 6209/QĐ-BCT ngày 25/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành da giầy Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế của đất nước.
Tính đến nay Việt Nam có khoảng 1.700 doanh nghiệp da giầy, trong đó có khoảng 800 doanh nghiệp lớn, sử dụng 1,2 triệu lao động trực tiếp. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành da giầy có tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-20% mỗi năm.
Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy đạt 16,2 tỷ USD, chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, tăng 8,8% so với năm 2015, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và thứ 2 thế giới về trị giá xuất khẩu. Hầu hết sản phẩm da giầy của Việt Nam có chất lượng tốt, được nhiều nước chấp nhận, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp da giầy Việt Nam, trong 5 năm qua cũng đã cho thấy một số bất cập giữa quy hoạch và thực tiễn, vì vậy việc lập “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” là rất cần thiết.
Việc điều chỉnh sẽ đáp ứng được các yếu tố cơ bản nhất là sự đồng bộ, tính tập trung, tính pháp lý, phù hợp với nhu cầu và tốc độ phát triển của ngành, của các doanh nghiệp, của từng địa phương; đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu, khả năng và tiềm năng phát triển, giữa lợi ích của sự phát triển kinh tế xã hội và lợi ích môi trường.
Theo bà Trương Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ - Bộ Công Thương, trong lần điều chỉnh Quy hoạch này, định hướng phát triển ngành công nghiệp da giầy Việt Nam đảm bảo tính bền vững trên cơ sở hội nhập sâu vào thương mại thế giới.
Ngành da giầy phải thực hiện mục tiêu tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm; trong đó ưu tiên khắc phục điểm yếu của ngành là sản xuất nguyên phụ liệu hạn chế, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm dần phương thức sản xuất gia công, tăng khả năng thiết kế cung cấp nguyên liệu, tập trung sản xuất các sản phẩm trung cao cấp hợp thời trang cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại hội thảo, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giầy-Túi xách Việt Nam, cho biết xu hướng thị trường ngành giày dép thay đổi nhanh chóng, nên cần phân tích và lãm năng lực cạnh tranh của ngành.
Theo bà Xuân, năng lực doanh nghiệp da giầy ở đâu cần đánh giá ở những yếu tố như chi phí lao động, lực lượng lao động, môi trường chính trị, năng suất lao động Có làm rõ được vấn đề ngành da giầy đang ở đâu, phân khúc nào thì sẽ đánh giá được lợi thế của ngành.
Bà Phạm Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết trong quy hoạch không lấy nhân công giá rẻ làm thế mạnh nữa mà cần tận dụng nhân công trí thức, áp dựng các thiết bị công nghệ hiện đại, định hướng về liên kết đào tạo nhân công trí thức.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Giầy Vinh Thông, đóng góp ý kiến, quy hoạch có nhưng kế hoạch chưa có. Thiết kế thời trang rất quan trọng, do đó cần có trung tâm thiết kế thời trang của ngành. Quy hoạch cũng cần chỉ rõ phát triển nguyên phụ liệu như thế nào./.