Các Quy hoạch ngành về năng lượng và khoáng sản đã tạo dựng mối kết ngành, liên kết vùng; thiết kế đồng bộ giữa kết cấu hạ tầng tổng thể các ngành năng lượng trong nước với khu vực và quốc tế, được tổ chức khoa học, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của từng vùng, từng địa phương...
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị công bố các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại các Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia); Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 (Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản); Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 (Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), do Bộ Công Thương tổ chức chiều 9/8, tại Hà Nội.
Bảo đảm an ninh năng lượng
Liên quan tới công tác quy hoạch, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương đã tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Quy hoạch và các nghị quyết, nghị định có liên quan của Quốc hội, Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trong việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch.
Ông nhấn mạnh các quy hoạch trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được Thủ tướng phê duyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ là cơ sở pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước, về kết cấu hạ tầng và sử dụng tài nguyên của ngành công thương mà đây còn là căn cứ định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, khoáng sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, sử dụng tài nguyên hợp lý.
"Quy hoạch thăm dò khai thác sử dụng, chế biến khoáng sản được xây dựng với mục tiêu quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh đầu tư, hình thức khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại," ông Hải nói.
[Giải pháp tháo gỡ khó khăn với chính sách giá điện, thị trường điện]
Theo thông tin đưa ra, các quy hoạch ngành công thương được xây dựng trên cơ sở đã quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch các ngành, lĩnh vực khác.
Cụ thể, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Làm rõ thêm, theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia bao gồm dự trữ chiến lược; dự trữ sản xuất, dự trữ thương mại, vận tải, lưu thông phân phối, đáp ứng các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường, đảm bảo dự trữ, cung ứng đầy đủ, an toàn, liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng.
Quy hoạch cũng đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, phấn đấu đạt 90 ngày nhập ròng; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và khí nguyên liệu cho các ngành năng lượng và công nghiệp.
“Trong giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 500.000 m3 kho chứa xăng dầu phục vụ dự trưc quốc gia và 1-2 kho dự trữ dầu thô tại khu vực gần các Nhà máy Lọc dầu nâng tổng công suất đến 3 triệu tấn dầu thô…,” ông Bùi Huy Sơn nói.
Hướng đến kinh tế xanh
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng và khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung làm thật tốt công tác truyền thông để phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra.
Cùng với đó, các đơn vị khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện; trong đó cần xác định rõ các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, bảo đảm các phương án quy hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.
Ông đề nghị các đơn vi tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện đại, thông minh.
“Phát triển năng lượng bền vững theo hướng xanh hóa, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian, lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các quy hoạch ngành về năng lượng, khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch; chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương (như quy hoạch về đất đai, xây dựng), làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các địa phương và bộ, ngành có liên quan cần đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật và cơ chế chính sách có liên quan để quản lý và thực hiện hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và các kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành, địa phương.
Các đơn vị tổ chức lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án năng lượng, khoáng sản trong lĩnh vực, địa bàn quản lý theo định hướng quy hoạch, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm đồng thời ưu tiên bố trí quỹ đất và chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư (nếu có), tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai cho các dự án theo quy định./.