Quy hoạch Hưng Yên thành đô thị của tam giác kinh tế-đô thị Nam Hà Nội

Thành phố Hưng Yên được quy hoạch sẽ giữ vai trò là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và khoa học, kỹ thuật-công nghệ của tỉnh.
Quy hoạch Hưng Yên thành đô thị của tam giác kinh tế-đô thị Nam Hà Nội ảnh 1Đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Hưng Yên. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đến năm 2035, với mục tiêu là một trong ba đô thị của tam giác kinh tế-đô thị phía Nam Thủ đô Hà Nội - khu vực nối kết vùng Thủ đô Hà Nội với vùng Đồng bằng duyên hải Bắc bộ.

Thành phố Hưng Yên được quy hoạch sẽ giữ vai trò là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội và khoa học, kỹ thuật-công nghệ của tỉnh.

Đồng thời là đầu mối giao thông của tỉnh và của vùng Đồng bằng sông Hồng; là đô thị lịch sử-văn hóa, có điều kiện để phát triển trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch; trung tâm giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hưng Yên hiện hữu với tổng diện tích gần 7.400 ha. Phía Bắc giáp huyện Kim Động, phía Đông giáp huyện Tiên Lữ, phía Nam và phía Tây giáp huyện Lý Nhân và Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Thành phố sẽ được phân thành năm khu vực phát triển gồm: Trung tâm lịch sử hiện hữu, Khu Đại học Phố Hiến, Khu phát triển mới phía Bắc, Khu cải tạo nâng cấp phía Nam, Khu vực xanh ven sông và du lịch.

Trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh và của thành phố Hưng Yên giữ nguyên vị trí hiện nay. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, công viên  cây xanh, công trình thể dục thể thao được định hướng phát triển cụ thể, phù hợp.

[Bổ sung 3 khu công nghiệp ở Hưng Yên vào Quy hoạch khu công nghiệp]

Theo đó, định hướng phát triển giao thông đối ngoại, giao thông đô thị trên cơ sở cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện có và đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông phù hợp với tốc độ phát triển trong từng giai đoạn.

Định hướng cao độ nền, thoát nước mặt, nước thải, thu gom chất thải rắn, cấp điện, nước, thông tin liên lạc… đều được quan tâm đầu tư theo hướng xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Thành phố cũng được quy hoạch mới hạ tầng giao thông đối ngoại, giao thông đô thị như tuyến đường 38 mới sang Hải Dương, bến xe mới diện tích khoảng 5ha tại xã Trung Nghĩa, tuyến đường sắt nội vùng Hà Nội-Hưng Yên, cảng Hưng Yên trên sông Hồng tại phường Minh Khai, đường trục phía Đông sông Điện Biên...

Cùng đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện nước được định hướng trên cơ sở quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch ngành, với các chỉ tiêu của đô thị loại II.

Ông Doãn Quốc Hoàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hưng Yên cho biết, trước mắt thành phố tập trung tại các khu vực phát triển mới, các tuyến đường giao thông mới quy hoạch gồm các tuyến đường trục liên xã, đường phía Đông, phía Tây sông Điện Biên.

Thành phố tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực để cụ thể hóa quy hoạch chung làm cơ sở để xác định, lập các dự án để đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

Theo đó, thành phố ưu tiên lập quy hoạch các xã đã được định hướng phát triển đô thị mới như Liên Phương, Trung Nghĩa, Bảo Khê, Phú Cường, Hùng Cường... Tập trung các nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách, vận động xúc tiến đầu tư, chuẩn bị quỹ đất tái định cư... thực hiện quy hoạch xây dựng đợt đầu giai đoạn 2020-2025.

Trên cơ sở xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, thành phố đề xuất đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị phường, xã thực hiện tốt việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, quản lý sử dụng đất và xây dựng phù hợp với quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục