Bài 2: Trục xương sống, mở hành lang phát triển
Năm quy hoạch của ngành Giao thông Vận tải là định hướng quan trọng để phát triển toàn diện giao thông trong thời gian tới đồng thời sẽ là trục xương sống cốt lõi để các tỉnh thành bám vào đó làm quy hoạch địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.
Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có buổi trao đổi với ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện chiến lược Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) về vấn đề này.
Kỳ tích lập quy hoạch của ngành giao thông
- Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã được phê duyệt 4/5 quy hoạch ngành gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng hải. Ông đánh giá như thế nào về các quy hoạch lần này?
Ông Lê Đỗ Mười: Từ trước đến nay, chưa có thời kỳ nào Bộ Giao thông Vận tải triển khai làm tổng thể cùng một lúc 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải. Đây là một trong các đột phá nhờ Luật Quy hoạch ra đời, dẫn đến các quy hoạch chuyên ngành không bị chồng chéo, mang tính chất liên kết tổng thể, mạng lưới kết nối quy hoạch của ngành với địa phương, quy hoạch tổng thế quốc gia.
Khi xác định được mạng lưới quy hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra dự báo tổng thể nhu cầu giao thông vận tải, dự kiến nguồn vốn triển khai theo từng giai đoạn, trong đó có đánh giá các yếu tố về điểm nghẽn kết nối của địa phương đang vướng và được tháo gỡ trong quy hoạch lần này bởi quy hoạch giao thông tạo thành trục xương sống chính trong phát triển hành lang vận tải giữa các vùng hay tỉnh thành, các hàng lang Đông-Tây, Bắc-Nam, cửa khẩu tới cảng biển.
Mặt khác, 5 quy hoạch lần này không dàn trải và xác định mục tiêu cụ thể phát triển đến giai đoạn năm nào, hạ tầng gì và có khoản mục rõ ràng của từng phương thức theo thời kỳ.
[Bài 1: Quy hoạch giao thông - Kỳ vọng từ sự đột phá hạ tầng]
Đơn cử, từ nay đến năm 2030 ưu tiên có 5.000km đường cao tốc, có các tuyến Quốc lộ để tạo liên kết với đường cao tốc, địa phương. Với đường sắt xác định trục đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và từ đó lan tỏa điểm đầu mối ở các ga và phát triển đô thị dọc tuyến. Về Hàng hải, xác định đầu mối cảng vận tải hàng hóa, cảng trung chuyển chính. Đường thủy nội địa xác định 9 hành lang vận tải và phát triển chủ yếu Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng để hỗ trợ và góp phần giảm tải cho đường bộ.
- Quy hoạch của ngành giao thông đã kế thừa và phát huy những điểm gì so với những lần quy hoạch trước đó, thưa ông?
Ông Lê Đỗ Mười: Trước kia, chúng ta chỉ thực hiện từng quy hoạch lĩnh vực một nên rời rạc, sự kết nối chưa có hoặc trùng, dẫn đến khó khăn triển khai quy hoạch với nhau. Ở lần này, tất cả 5 quy hoạch được bày lên cùng 1 chỗ và rà soát, nghiên cứu lại kết nối liên thông từ trong quy hoạch, từ đó đề ra, cơ chế chính sách nên không có điểm chồng lấn, xung đột như trước.
Hiện có 4 quy hoạch đã được phê duyệt và dự kiến quy hoạch cảng hàng không, sân bay đang hoàn thiện và sau đó trình Chính phủ, từ nay đến cuối năm sẽ được phê duyệt.
[Vì sao đầu tư hạ tầng giao thông chưa hài hòa giữa các vùng miền?]
Các quy hoạch lần này dựa trên nền tảng vốn có của ngành giao thông. Bộ Giao thông Vận tải đã xâu chuỗi và đánh giá lại cụ thể đồng thời có sự hỗ trợ từ tư vấn phía Nhật Bản xây dựng khung chính sách và chiến lược phát triển giao thông, số liệu dự báo nhu cầu vận tải...
Mỗi quy hoạch chỉ thể hiện mấy chục trang nhưng đó là sự tâm huyết của cả ngành, của các đơn vị tư vấn, cán bộ công nhân viên lập quy hoạch. Quy hoạch giao thông đưa ra phải phù hợp với xu thế của quốc gia, của thế giới vì quy hoạch giao thông mang tính chất kết nối mở, kết nối nội vùng, kết nối quốc tế.
Quy hoạch đã có sự "so đo" rất kỹ
- Vậy, các địa phương đóng góp ý kiến như thế nào về quy hoạch lần này? Các quy hoạch giao thông đưa ra thì địa phương có bám vào đó để triển khai thực hiện hay không?
Ông Lê Đỗ Mười: Các đơn vị tư vấn như Viện Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) đã đi xuống các địa phương nghiên cứu khảo sát, lấy số liệu và cập nhật lại về hạ tầng, mô hình hành lang vận tải của nước ta để đưa vào quy hoạch nên rút ngắn được tiến độ lập quy hoạch.
Các địa phương đều có ý kiến đóng góp nhiều vào trong quy hoạch lần này. Tổ tư vấn và tổ lập quy hoạch tiếp thu, giải trình để địa phương đồng ý đồng thuận mới trình lên Hội đồng thẩm định nên chất lượng quy hoạch rất cao. Đến giờ triển khai, các tỉnh đều bám theo các trục xương sống của quy hoạch.
Hiện nay, có 42/64 tỉnh thành phố đã đang hoàn thành lập quy hoạch địa phương và được thẩm định. Quy hoạch các tỉnh thành đều dựa trên tổng thể 5 quy hoạch của ngành giao thông vận tải làm cốt lõi, cơ bản để phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên
- Nguồn vốn của 5 quy hoạch giao thông đưa ra rất nhiều và huy động bằng nhiều phương thức? Vậy, ông đánh giá liệu có cân đối được và khả thi?
Ông Lê Đỗ Mười: Trong từng quy hoạch chuyên ngành giao thông đã có các cơ chế chính sách kêu gọi vốn như PPP, BOT... Với nguồn lực và tốc độ tăng trưởng hiện nay, tất cả các dự án đều có tính hấp dẫn của nhà đầu tư. Với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đang giao cho các địa phương là cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để làm các công trình trọng điểm thì theo cá nhân tôi nghĩ là rất khả quan.
[Sẽ triển khai đầu tư ưu tiên 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam]
Các quy hoạch đề ra chỉ là khung, sau đó làm kế hoạch. Bình thường nếu thực hiện quy hoạch đạt 60-70% trở lên thì đã mang tính chất khả thi và thành công, còn lại dưới 40% chưa đạt được quy hoạch.
Để thực hiện quy hoạch thì yếu tố cần thiết đó là nguồn lực vốn đầu tư nên Nhà nước cần phải lựa chọn từng lĩnh vực để ưu tiên phát triển trước, vừa với mức đầu tư và sức chịu đựng của nền kinh tế. Trong những năm vừa qua, Chính phủ xác định lĩnh vực đường bộ là trọng tâm nên ưu tiên vì làm tới đâu khai thác tới đó, đường sắt phải làm đầu cuối và đồng bộ thì mới khai thác hoàn chỉnh. Sau khi đường bộ hoàn thành, giai đoạn tới đây, đường sắt sẽ được ưu tiên tập trung vào đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và dự kiến đến năm 2032 sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội-Vinh và Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh.
Chúng ta phải xác định rõ từng dự án theo giai đoạn và quyết tâm đưa dự án này vào vốn trung hạn làm bước đệm sau đó kêu gọi xã hội hóa. Quy hoạch lần này đã "so đo" rất kỹ để lựa chọn ra dự án mang tính chất đột phá cho nền kinh tế để từ đó đưa vào giai đoạn sau cho phù hợp, đây là điểm mới của quy hoạch lần này.
- Xin cảm ơn ông./.