Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến 2040

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng, mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính.
Đại diện của Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng trao Hồ sơ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng cho đại diện lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)

Chiều 30/6, Hội nghị công bố quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức.

Để phục vụ công tác phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh đến năm 2040 trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 2/3 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 295/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng bao gồm một phần hoặc toàn bộ diện tích của 31 xã và 3 thị trấn thuộc 7 huyện biên giới, quy mô diện tích khoảng 30.130ha. Dân số dự báo đến năm 2040 là 100 nghìn người.

Đây là một trong những trung tâm giao thương của Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, có vị trí quan trọng về an ninh quốc gia; là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, đa lĩnh vực, điểm đột phá về kinh tế của Cao Bằng và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc; có khả năng gắn kết với các địa phương khác để tạo thành tuyến dịch vụ-thương mại-du lịch động lực của toàn vùng trung du miền núi phía Bắc. 

[Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng]

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng phát triển theo mô hình chuỗi kết nối trên tuyến hành lang biên giới, được chia thành 4 phân vùng, mỗi phân vùng có một trung tâm kinh tế cửa khẩu chính.

Các trung tâm của phân vùng được kết nối trực tiếp với hệ thống cửa khẩu của Trung Quốc và kết nối với trung tâm kinh tế của tỉnh Cao Bằng (thành phố Cao Bằng), các khu vực trong và ngoài tỉnh thông qua đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, quốc lộ 3, quốc lộ 4, quốc lộ 34.

Các phân vùng gồm: Vùng 1 (vùng kinh tế cửa khẩu phía Tây), gồm các xã của huyện Hà Quảng, trung tâm là cửa khẩu, đô thị Sóc Giang, diện tích 4.018ha, dân số đến năm 2040 là 8.000-9.000 người.

Vùng 2 (vùng kinh tế cửa khẩu phía Bắc), diện tích quy hoạch 8.134ha, quy mô dân số đến 2040 khoảng 30.000-32.000 người, có cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, trung tâm của khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng.

Vùng 3 (vùng kinh  tế cửa khẩu phía Đông Bắc), diện tích quy hoạch 3.346ha, quy mô dân số đến 2040 là 7.500-8.000 người, trung tâm là cửa khẩu Lý Vạn.

Vùng 4 (vùng kinh tế cửa khẩu phía Đông), diện tích quy hoạch khoảng 14.632ha, quy mô dân số đến 2040 khoảng 51.000-53.000 người, trung tâm là cửa khẩu Tà Lùng, đô thị Phục Hòa.

Bản quy hoạch nêu rõ định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội tỉnh Cao Bằng, trong đó có các cửa khẩu, lối mở, các khu vựa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho bãi chung chuyển hàng hóa, các khu chức năng du lịch, vùng nông-lâm nghiệp, các khu vực phát triển dân cư, đô thị, khu dân cư nông thôn, hệ thống công trình hạ tầng xã hội.

Đồng thời, bản quy hoạch nêu rõ định hướng về kiến trúc, cảnh quan, trong đó nhấn mạnh tỉnh Cao Bằng cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hài hòa các yếu tố địa hình tự nhiên, cảnh quan rừng, khu vực nông nghiệp, với cấu trúc không gian truyền thống, hạn chế san gạt địa hình tự nhiên, bảo vệ các di sản văn hóa, khu di tích, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp, giúp đỡ Cao Bằng trong việc lập quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu; khẳng định, đây là cơ sở cho việc hình thành tuyến vành đai kinh tế biên mậu, thống nhất các hoạt động quản lý, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, ổn định dân cư, củng cố thêm việc đảm bảo an ninh quốc phòng và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục