Quy hoạch cảng Quy Nhơn: San lấp mặt nước, tàu thuyền neo đậu khó khăn

Theo các ngư dân, việc thu hẹp diện tích mặt nước khiến luồng lạch cảng cá bị bồi lấp, gây nhiều khó khăn, rủi ro cho tàu thuyền ra vào buôn bán hoặc neo đậu tại cảng cá.
Cầu cảng bốc xếp container của cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có vị trí chiến lược về kinh tế, là cửa ngõ thông thương hàng hóa từ Biển Đông của khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mekong.

Chính vì vậy, chỉ tính riêng tại cửa biển Quy Nhơn đã có tới 5 cảng lớn gồm: Cảng cá Quy Nhơn và 4 cảng hàng hóa là cảng Thị Nại, Tân cảng Miền Trung, cảng Quy Nhơn và Tân cảng Quy Nhơn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những cảng này đang gây ra những hệ lụy không đáng có hay nói khác đi sự chồng chéo trong quy hoạch cảng đã dẫn đến những bất cập thời gian qua khi luồng lạch dành cho tàu thuyền ra vào cảng cá Quy Nhơn bị san lấp để làm bãi tập kết container cho Tân cảng Quy Nhơn.

Bài 1: San lấp mặt nước, tàu thuyền neo đậu khó khăn

Tại cửa biển Quy Nhơn, vị trí của Tân cảng Quy Nhơn nằm đối diện với cảng cá Quy Nhơn, ở giữa là mặt nước vốn lâu nay được sử dụng làm luồng lạch ra vào của tàu cá và neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Từ cuối năm 2017, Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn bắt đầu cho san lấp mặt nước nhằm mở rộng bãi chứa hàng hóa trên diện tích 7 ha, song điều đáng nói là Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã quy hoạch và cho đơn vị thuê từ năm 2009.

Ngư dân bức xúc

Việc Tân cảng Quy Nhơn san lấp mặt nước vốn là nơi ra vào, neo đậu tàu cá bao đời nay khiến các ngư dân trong tỉnh bức xúc.

Theo các ngư dân, việc thu hẹp diện tích mặt nước khiến luồng lạch cảng cá bị bồi lấp, gây nhiều khó khăn, rủi ro cho tàu thuyền ra vào buôn bán hoặc neo đậu tại cảng cá.

Là chủ của 4 chiếc tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ, anh Nguyễn Văn Lâm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn cho biết, anh ủng hộ chủ trương của tỉnh là mở rộng các cảng hàng hóa để phát triển kinh tế, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống, lâu đời của cảng cá Quy Nhơn.

[Kiến nghị thu hồi Cảng Quy Nhơn: Thứ trưởng Bộ Giao thông lên tiếng]

“Lãnh đạo tỉnh phải xem xét quy hoạch như thế nào cho hợp lý, hiệu quả và được sự ủng hộ của nhân dân. Ông cha chúng tôi đã gắn bó, mưu sinh với cảng cá này từ bao đời, nếu lấn chiếm luồng lạch thì hàng ngàn tàu thuyền sẽ neo đậu ở đâu? Không được lấn chiếm luồng lạch ra vào của tàu cá và để ngư dân ra vào làm ăn thuận lợi, đó là yêu cầu của ngư dân,” anh Lâm kiến nghị.

Cùng chung nỗi bức xúc này, anh Tô Văn Khuyên, thuyền viên trên tàu cá số hiệu BĐ-91142 TS cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn mỗi cảng cá Quy Nhơn là đủ sâu để đón các tàu công suất lớn, các tàu vỏ thép theo Nghị định 67 về cập cảng.

Tuy nhiên, mùa mưa bão tàu về neo đậu rất đông, thuyền bè phải đậu sát nhau, rất nguy hiểm, đặc biệt khá khó khăn khi xoay đầu trở ra.

Anh Khuyên cho biết, như đợt bão năm vừa rồi cũng có 2 tàu bị chìm và mắc cạn do luồng lạch không đủ rộng và thông suốt. Nếu luồng lạch cảng cá Quy Nhơn tiếp tục bị san lấp, ngư dân Bình Định khó có thể trở về quê nhà sau những ngày đánh bắt trên biển. 

Quy hoạch chồng chéo

Qua tìm hiểu, chúng tôi biết được tháng 6/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có văn bản số 1624/UBND-XD gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xin chủ trương đầu tư cầu cảng container 30.000 DWT theo hình thức cổ phần hóa do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện ký. Diện tích quy hoạch xây dựng khu cầu cảng mới này được tách ra từ một phần đất của cảng Quy Nhơn trước đây.

Tháng 12/2007, Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản số 8133/BGTVT-KHĐT gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, chấp thuận bổ sung một cầu cảng container 30.000 DWT vào quy hoạch cảng biển Quy Nhơn (nhóm cảng biển số 4). Văn bản nêu rõ “Có giải pháp xử lý đối với bến cá thủy sản để đảm bảo an toàn hàng hải thường xuyên, đặc biệt khi tàu thuyền đánh cá về tránh trú bão.”

Tháng 1/2008, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Thiện tiếp tục ký công văn số 240/UBND-XD với nội dung “Khoảng cách cầu tàu container và bến cá thủy sản đủ điều kiện để đảm bảo an toàn hàng hải thường xuyên, kể cả đối với tàu cá, tàu ra vào nơi tránh trú bão tại cảng Quy Nhơn.”

Một góc cảng Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Cũng trong tháng 1/2008, Bộ Giao thông Vận tải ra văn bản số 402/BGTVT-KHĐT gửi Cục Hàng hải Việt Nam, thống nhất quy mô xây dựng cầu tàu dài 200m, khu vực dự kiến quy hoạch cảng với diện tích 54.263m2.

Đến năm 2009, Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn chính thức phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu cảng container 30.000DWT và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định quyết định cho thuê đất thực hiện dự án theo Quyết định số 747/QĐ-UBND ngày 14/10/2009.

Theo đó, tỉnh cho Công ty cổ phần Tân cảng Quy Nhơn thuê 121.560m2 đất, bao gồm 51.512m2 đất được thu hồi từ cảng Quy Nhơn và số còn lại là đất mặt nước chưa sử dụng ở phía Tây-Nam (thực tế là đất mặt nước phía trước cảng cá Quy Nhơn, được sử dụng làm luồng lạch cho tàu cá ra vào-PV).

Như vậy có thể thấy, Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương bổ sung cầu cảng container, quy hoạch diện tích dự kiến 54.263m2, với điều kiện không ảnh hưởng đến luồng ra vào tàu cá. Còn Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định lúc đó lại cho thuê diện tích đất 121.569m2 và tự khẳng định luồng tàu cá ra vào rộng 100m là đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trước đây ở cảng cá chỉ có các tàu công suất nhỏ, chiều dài thân tàu dưới 20m.

Hiện nay, có những tàu cá công suất lớn, chiều dài từ 20-30m. Do vậy, quy chuẩn về luồng ra vào cảng cá hiện giờ vẫn chưa có. Việc cảng hàng hóa và cảng cá nằm đối diện nhau và sử dụng chung mặt nước, ở cửa biển Quy Nhơn là trường hợp duy nhất trong cả nước.

“Chúng tôi sẽ xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về kích thước luồng lạch ra vào cảng cá rồi báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh,” ông Phan Trọng Hổ nói.

Trong khi chờ các cấp chính quyền kiểm tra, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch, hàng nghìn ngư dân tỉnh Bình Định vẫn đang lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục