Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã đệ đơn đòi lại tên miền khi bị người khác nhanh tay đăng ký. Nhiều vụ việc đã kéo dài hàng chục năm, chưa có hồi kết. Nguyên nhân cũng bởi ý thức của doanh nghiệp về sở hữu tên miền còn chưa cao, khung pháp lý về tranh chấp tên miền cũng còn hạn chế. Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này. Gia tăng tranh chấp - Vừa qua, VNNIC đã khởi đầu chuỗi hội thảo “Bảo vệ thương hiệu Việt với tên miền .vn” tại Bình Dương và Cần Thơ, thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Tại sao VNNIC lại tổ chức chuỗi hội thảo này?Ông Trần Minh Tân: Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam là miền đất hứa cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội làm ăn và phát triển. Song song với những website được gia tăng theo cấp số nhân là sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các loại hình tên miền tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhờ đó, sự phổ biến của tên miền .vn cũng rất lớn. Tuy nhiên, cho dù được ví là “chìa khóa cánh cửa” quan trọng đầu tiên để các doanh nghiệp, tổ chức bước vào nền kinh tế mạng, không chỉ là địa chỉ định danh trên mạng Internet mà còn là “thương hiệu số,” song rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức hết tầm quan trọng của tên miền. Với chuỗi hội thảo này, VNNIC sẽ nâng cao nhận thức chung về vấn đề: Bảo hộ thương hiệu, phát triển và quảng bá hoạt động trên Internet đặc biệt là với tên miền .vn. Việc hiểu rõ pháp lý sẽ giúp người dùng tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng.” Hội thảo cũng đề cập đến tính hiệu quả về mặt xã hội, cá nhân và cộng đồng... qua việc phát triển hạ tầng cho thương mại điện tử như xây dựng website, các phần mềm ứng dụng, dữ liệu, marketing online… [Doanh nghiệp Việt thờ ơ với tên miền quốc gia “.vn”] - Ông từng cho biết, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa “mặn mà” với việc đăng ký tên miền .vn dẫn đến việc khiếu kiện tên miền kéo dài. Vậy, tình hình tranh chấp và giải quyết khiếu nại, tranh chấp tên miền .vn hiện nay ra sao?Ông Trần Minh Tân: Trong thời gian qua, số lượng những vụ tranh chấp tên miền ngày một gia tăng và phức tạp như các vụ: ebay.com.vn, heineken.vn, bayer.vn, bitis.vn, samsungmobile.vn, visa.com.vn, nld.vn, nguoilaodong.vn, mhb.vn, habeco.vn… Khi chưa có quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp tên miền, hầu hết các trường hợp tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia đều bị gộp chung trong các khiếu nại hành chính. Khi ấy, VNNIC là cơ quan quản lý, cấp phát tên miền chỉ giải quyết được các khiếu nại hành chính liên quan đến việc thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, duy trì, tạm ngừng, thu hồi tên miền. Việc đưa ra các quyết định giải quyết là rất khó khăn và không triệt để vì bản thân VNNIC vừa giải quyết khiếu nại hành chính về tên miền, vừa giải quyết tranh chấp về tên miền. Cuối năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam .vn, tuy nhiên hầu hết các vụ việc tranh chấp tên miền .vn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Theo quy định, VNNIC không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp phát sinh tranh chấp tên miền, mà các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp. Hiện tại, ngoài hình thức thương lượng, hòa giải do hai bên tự tiến hành thỏa thuận thì các chủ thể có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài là phía Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam hoặc thông qua Tòa án. Hầu hết các chủ thể đều cố gắng lựa chọn hình thức thỏa thuận thương lượng, hòa giải khi có tranh chấp xảy ra bởi vì đây là cách đơn giản, tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian nhất để lấy lại tên miền.
Nhãn hàng giày dép Bitis đã "chậm chân" trong việc đăng ký tên miền. (Ảnh chụp giao diện trang bitis.vn)
Hoàn thiện chính sách quản lý- Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 72 về Quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có quy định về xử lý tranh chấp tên miền. Ông có đánh giá thế nào về tình hình giải quyết tranh chấp tên miền tại Việt Nam sau khi Nghị định được ban hành?Ông Trần Minh Tân: Thực tế, tên miền là một tài sản có giá trị thương mại nhưng không phải là đối tượng sở hữu trí tuệ nhưng một số người sử dụng Internet đã nhầm lẫn về việc này. Họ cho rằng tên thương mại, nhãn hiệu, tên gọi… đã được bảo hộ bằng quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế thì trên mạng Internet các tên miền gắn liền đến cũng thuộc quyền sở hữu của họ. Đặc tính duy nhất của tên miền trên mạng Internet là khi một chủ thể đã đăng ký sử dụng thành công một tên miền cũng đồng nghĩa với việc các chủ thể khác sẽ không thể đăng ký sử dụng tiếp tên miền đó, trong khi các đối tượng sở hữu trí tuệ có khả năng trùng lặp. Đặc tính này là khởi nguồn của các tranh chấp tên miền. [Nghị định mới tạo điều kiện phát triển cho Internet] Nghị định 72 của Chính phủ góp phần hoàn thiện về chính sách quản lý tên miền, các giao dịch về tên miền được hợp pháp hóa, công bằng để tài nguyên được phân bổ bình đẳng và đảm bảo hiệu quả. Tại Điều 16 của Nghị định này đã quy định rõ ràng các khung pháp lý về giải quyết và xử lý tranh chấp, phân định rõ đâu là tranh chấp, đâu là vi phạm, và chỉ ra việc cạnh tranh không lành mạnh là hành vi thực hiện với ý đồ xấu… Theo đó, các cơ quan xử lý tranh chấp sau khi có kết luận vi phạm của cơ quan thẩm quyền sẽ dễ dàng và đầy đủ cơ sở pháp lý để kết luận vụ việc. Điều này khiến việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp liên quan đến tên miền “.vn” cũng sẽ được triệt để hơn. Một điều thực tế cần lưu ý là tình hình tranh chấp tên miền sẽ chỉ hạn chế tối thiểu khi tổ chức, doanh nghiệp lưu ý đăng ký, bảo vệ sớm các tên miền có liên quan kèm theo biện pháp theo dõi, quản lý chặt chẽ các tên miền đang sử dụng. - Với vai trò là cơ quan quản lý tên miền quốc gia, VNNIC có khuyến nghị gì cho các doanh nghiệp để tránh các trường hợp tranh chấp về tên miền?Ông Trần Minh Tân: Khi xảy ra tranh chấp tên miền, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền toái. Tôi cho rằng, việc đăng ký bao vây nhiều hay ít tên miền là do nguồn lực tài chính, chiến lược phát triển thị trường của mỗi doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên đăng ký giữ chỗ những tên miền quốc tế nơi hiện diện thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ, Công ty Samsung Electronics sử dụng tên miền quốc tế samsung.com và không đăng ký tên miền .vn. Sau đó, khi phát hiện ra có các chủ thế khác đăng ký tên miền liên quan đến nhãn hiệu Samsung (samsungmobile.com.vn) thì doanh nghiệp này gửi đơn kiện đến Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Phải mất hơn một năm theo kiện, Samsung mới có thể đòi lại tên miền samsungmobile.com.vn. Do đó, các doanh nghiệp nên học từ trường hợp này để đăng ký tên miền .vn. Điều này vừa thể hiện chủ quyền quốc gia, vừa có giá trị sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức nên cân nhắc một điều: Trong khi các tên miền quốc tế rất khó bảo vệ được thì tên miền .vn hoàn toàn thể hiện được cả thương hiệu của Việt Nam lẫn nguồn gốc quốc gia Việt Nam. Tên miền .vn có thể đăng ký dễ dàng để bảo vệ thương hiệu, được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc đăng ký tên miền .vn liên quan đến thương hiệu của mình kịp thời là giải pháp đơn giản và hiệu quả nhất để bảo vệ thương hiệu ở Việt Nam hiện nay. - Xin cảm ơn ông!
Trung Hiền (Vietnam+)