Quy định về tổ chức đoàn của Quốc hội, UBTVQH viếng người từ trần

Việc tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần (sau đây gọi là Đoàn viếng) phải trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, tiết kiệm, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1177/NQ-UBTVQH14 ban hành Quy định về tổ chức đoàn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội viếng người từ trần.

Cụ thể, phạm vi, đối tượng được tổ chức đoàn viếng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; cán bộ thuộc diện Đảng đoàn Quốc hội quản lý; đại biểu Quốc hội các khóa (trừ trường hợp bị bãi nhiệm, bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án; hoặc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do đã bị thi hành kỷ luật; hoặc đã bị kỷ luật từ hình thức cách chức trở lên); thân nhân của cán bộ, đại biểu Quốc hội từ trần (gồm: bố, mẹ đẻ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; vợ hoặc chồng).

Việc tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần (sau đây gọi là Đoàn viếng) phải trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, tiết kiệm, tránh trùng lặp hoặc bỏ sót.

Những người giữ nhiều chức vụ sẽ căn cứ vào chức vụ cao nhất; những chức vụ nêu trong Nghị quyết này là chức vụ khi cán bộ từ trần (đối với cán bộ đương chức) hoặc chức vụ cao nhất trong quá trình công tác (đối với cán bộ nguyên chức).

Nghị quyết nêu rõ: Đoàn của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam viếng người từ trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây: Tổng Bí thư­ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch n­ước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ t­ướng Chính phủ; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Phó Chủ tịch n­ước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tư­ớng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Trung ­ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trư­ởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Đại tư­ớng Quân đội, Công an. Trường hợp đồng chí Chủ tịch Quốc hội không đến viếng được sẽ gửi vòng hoa viếng.

Đoàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội viếng người từ trần là cán bộ đương chức và nguyên chức giữ các chức vụ sau đây: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thượng tư­ớng Quân đội, Công an. Trường hợp đồng chí Chủ tịch Quốc hội không đến viếng được, gửi vòng hoa viếng.

Chủ tịch Quốc hội viếng hoặc gửi vòng hoa viếng đối với Trưởng Ban đảng của Trung ương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; các trường hợp khác do Chủ tịch Quốc hội quyết định...

Chủ tịch Quốc hội gửi vòng hoa viếng đối với Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Phó Thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; thân nhân của các đối tượng này.

Nghị quyết quy định cụ thể về việc tổ chức đoàn của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội viếng người từ trần.

Việc tổ chức lễ tang thực hiện theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2020 và thay thế Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 752/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 4/3/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức đoàn viếng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội viếng người từ trần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục