Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ cấu lại tổ chức, chỉ còn 1 Tổng cục

Quy định về nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn...
Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngày 22/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

Về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất đất đai trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, kiểm tra việc điều tra khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; việc lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc lập và quản lý hồ sơ địa chính; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Chủ trì lập, điều chỉnh, công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia sau khi Quốc hội quyết định; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cấp quốc gia; thẩm định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh.

Thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Hướng dẫn việc bố trí quỹ đất cho phát triển thị trường bất động sản trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

[Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát bất cập của hệ thống thông tin đất đai]

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất trình Chính phủ ban hành hoặc để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; hướng dẫn việc xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai; lập bản đồ giá đất.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thu hồi đất, phát triển quỹ đất, quản lý quỹ đất đã thu hồi; việc đấu giá quyền sử dụng đất và quản lý sử dụng đất trong đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật...

Về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, quản lý lưu vực sông trong phạm vi cả nước để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Tổ chức xây dựng mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phổ biến, tuyên truyền mô hình, công nghệ, thiết bị tiết kiệm nước; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về ưu đãi đối với các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc cấp, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi, cấp lại giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và hành nghề khoan nước dưới đất; chấp thuận việc chuyển nhượng quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Giải quyết vướng mắc, bất đồng phát sinh trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép, vướng mắc khác về tài nguyên nước giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;...

Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; quyết định phê duyệt, điều chỉnh, thông báo việc truy thu, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc thẩm quyền.

Về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm đối với cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định của pháp luật.

Thực hiện quản lý nhà nước về chất thải rắn theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra đối với cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn kỹ thuật về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện: công tác quản lý chất lượng môi trường, cải tạo và phục hồi môi trường, công tác bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy;...

Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 27 đơn vị gồm: 1- Vụ Hợp tác quốc tế; 2- Vụ Kế hoạch - Tài chính; 3- Vụ Khoa học và Công nghệ; 4- Vụ Pháp chế; 5- Vụ Tổ chức cán bộ; 6- Vụ Đất đai; 7- Vụ Môi trường; 8- Thanh tra Bộ; 9- Văn phòng Bộ; 10- Tổng cục Khí tượng Thủy văn; 11- Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; 12- Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; 13- Cục Biến đổi khí hậu; 14- Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường; 15- Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai; 16- Cục Địa chất Việt Nam; 17- Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; 18- Cục Khoáng sản Việt Nam; 19- Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; 20- Cục Quản lý tài nguyên nước; 21- Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; 22- Cục Viễn thám quốc gia; 23- Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường; 24- Báo Tài nguyên và Môi trường; 25- Tạp chí Tài nguyên và Môi trường; 26- Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia; 27- Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường.

Các đơn vị quy định từ (1) đến (22) là các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị quy định từ (23) đến (27) là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Khí tượng Thủy văn; ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc bộ, không bao gồm Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Vụ Kế hoạch - Tài chính có 03 phòng; Vụ Tổ chức cán bộ có 3 phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục