Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội

Nghị quyết nêu rõ Văn phòng Quốc hội có 21 nhiệm vụ, quyền hạn như tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện chương trình công tác và các hoạt động...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.

Theo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Nghị quyết nêu rõ Văn phòng Quốc hội có 21 nhiệm vụ, quyền hạn. Cụ thể, tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện chương trình công tác và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiệm vụ tiếp theo là tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác lập pháp; phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tham mưu, phục vụ Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, dự án quan trọng quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước, về tổ chức và nhân sự Nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

[Họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trình Quốc hội 4 chuyên đề giám sát]

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước.

Ngoài ra, tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp; quyết định cơ cấu tổ chức, biên chế và quy định chính sách, chế độ đối với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; chính sách, chế độ đối với đại biểu Quốc hội; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, sắp xếp đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức trưng cầu ý dân theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội...

Nghị quyết cũng quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các vụ, cục, đơn vị; cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; công tác chỉ đạo, điều hành; chức năng, nhiệm vụ và lãnh đạo, chỉ đạo công tác của các vụ, cục, đơn vị; công tác tổ chức cán bộ và công tác quản lý tài chính, tài sản.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/7/2022.

Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 1/10/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 ngày 10/7/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục