Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kết luận giám sát

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phía Bắc kiến nghị cần có quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kết luận giám sát, tăng đại biểu chuyên trách.
Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kết luận giám sát ảnh 1Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân quận, thị xã để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Đây là kiến nghị của các đại biểu dự Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022, diễn ra sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội.

Tăng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết năm 2021 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội đồng nhân dân thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; phối hợp tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công rất tốt đẹp, bầu đủ 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần theo quy định; bầu được 1.052 đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã và 10.593 đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, đáp ứng yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

“Điểm nổi bật trong năm 2021 chính là Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã nỗ lực, vào cuộc quyết liệt, sát sao cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để hỗ trợ một số đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách, người dân, doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn do tác động của đại dịch; qua rà soát, Hội đồng Nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đã thông qua ngay 5 nghị quyết hỗ trợ cho 19 nhóm đối tượng, bổ sung 3 chính sách hỗ trợ, đảm bảo kịp thời," bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức thành công 4 kỳ họp, thông qua 52 nghị quyết với nhiều chính sách quan trọng cho sự nghiệp phát triển Thủ đô trước mắt cũng như lâu dài, phù hợp thực tiễn.

Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) với nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp.

Thành phố thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở các phường; một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận, thị xã.

Đồng thời, ngày 8/4/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách được bố trí tối đa 19 người, là số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân thành phố đã bố trí đủ 19 đại biểu chuyên trách gồm: 1 chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 4 Ban Hội đồng nhân dân mỗi ban có 1 trưởng ban, 2 phó trưởng ban và 1 ủy viên hoạt động chuyên trách.

[Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị triển khai kế hoạch công tác HĐND]

Với số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay, Hà Nội đang là địa phương được Trung ương và Thành ủy quan tâm bố trí số lượng đại biểu chuyên trách nhiều nhất.

Trong năm 2021, Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức 3 đoàn giám sát chuyên đề; Thường trực Hội đồng nhân dân đã tổ chức 3 đoàn giám sát; các ban Hội đồng nhân dân thành phố đã triển khai 12 cuộc giám sát, khảo sát các lĩnh vực được phụ trách.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình cũng được Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội hết sức quan tâm. Đặc biệt, các đại biểu chuyên trách có vai trò rất lớn và đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của Hội đồng Nhân dân thành phố.

Để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân thực sự phát huy hiệu quả, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, quy định rõ các hình thức giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, Hội đồng nhân dân quận, thị xã với Ủy ban nhân dân phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, quận, huyện, thị xã, đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có Hội đồng nhân dân phường giám sát.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho rằng cùng với việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách cấp thành phố, cũng cần quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân quận, thị xã để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, chỉ đạo để bố trí tối đa số lượng đại biểu chuyên trách Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật. Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp cho hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn.

Sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát

 Nhất trí cao với báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã đạt nhiều kết quả trong hoạt động. Nổi bật là tham gia lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn; sớm xây dựng và ban hành các quy chế, nội quy, quy định làm cơ sở bảo đảm cho hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đặc biệt, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; chú trọng thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.

Trong nhiệm kỳ 2016-2021 và năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 26 cuộc giám sát chuyên đề, chiếm khoảng 27% tổng số cuộc giám sát.

Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện kết luận giám sát ảnh 2Bà Lê Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch HDND tỉnh Tuyên Quang phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Từ thực tiễn, bà Lê Thị Thanh Trà đã chia sẻ một số kinh nghiệm, giải pháp chủ yếu để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đó là quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, là những quy định và căn cứ pháp lý bảo đảm quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân trong hoạt động giám sát, trách nhiệm chấp hành của các đối tượng được giám sát; coi trọng việc chọn nội dung giám sát, xác định phạm vi, đối tượng giám sát.

Ngoài ra, chú trọng khâu “hậu giám sát” để đảm bảo hiệu quả cuối cùng của hoạt động giám sát là kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Năm 2020, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh đã tiến hành cuộc giám sát chuyên đề về việc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau khảo sát, giám sát, chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021, gồm 105 vấn đề, vụ việc cụ thể.

Kết quả giám sát rất khả quan, khi đại đa số kiến nghị đã được các cơ quan nhà nước ở địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn một số hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân; hướng dẫn hoặc quy định cụ thể hơn cách thức, hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện, không thực hiện, thực hiện không đầy đủ các kiến nghị, kết luận sau giám sát, chất vấn giải trình của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục