Quy định số 144-QĐ/TW: Góp phần xây dựng một nền hành chính công hiệu quả

Theo nhiều cán bộ, đảng viên, Quy định số 144-QĐ/TW không chỉ giúp tạo ra một bộ máy chính quyền minh bạch, hiệu quả mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)
Người dân và doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nhật Bình/TTXVN)

Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới không chỉ định hướng hành động mà còn tạo cơ sở cho mọi hoạt động của cán bộ, đảng viên đều hướng tới sự minh bạch, trung thực và gương mẫu, qua đó góp phần xây dựng một nền hành chính công hiệu quả, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.

Xây dựng bộ máy chính quyền minh bạch

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW nhấn mạnh các phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" và đưa ra những quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với bản thân, gia đình và tổ chức đảng.

Việc áp dụng Điều 3 sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự giác rèn luyện và nâng cao đạo đức cá nhân. Điều này không chỉ tạo ra những cá nhân gương mẫu mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời, với tinh thần "cần, kiệm, liêm, chính," cán bộ, đảng viên sẽ góp phần xây dựng một bộ máy chính quyền minh bạch, hiệu quả, luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.

Việc thực hiện tốt quy định này cũng giúp củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường một cách toàn diện.

Áp dụng các nguyên tắc "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" trong công tác bảo vệ môi trường giúp cán bộ, đảng viên thực hiện công vụ một cách có trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả hơn; góp phần xây dựng một nền hành chính công mạnh mẽ, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

TTXVN_0406Quydinh144a.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, mỗi hành động bảo vệ môi trường, dù nhỏ, khi được thực hiện bởi các cán bộ, đảng viên sẽ tạo ra những tác động tích cực lớn lao, lan tỏa trong cộng đồng.

Đạo đức môi trường không chỉ là trách nhiệm của từng cá nhân mà còn là nghĩa vụ đối với tương lai của toàn xã hội. Khi cán bộ, đảng viên thấm nhuần và thực hiện đúng những quy định này, họ sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng một môi trường sống lành mạnh, bền vững cho các thế hệ mai sau.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh bày tỏ quan điểm Quy định số 144-QĐ/TW được soạn thảo cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu; có tính khả thi cao, giúp cán bộ, đảng viên dễ dàng nắm bắt và thực hiện đúng đắn.

Điều này tạo ra một khuôn khổ rõ ràng, minh bạch để mọi người tuân thủ. Việc chi tiết hóa các yêu cầu và trách nhiệm theo từng nội dung cũng giúp các cá nhân hiểu rõ nhiệm vụ của mình trong thực hiện đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sự cụ thể và dễ hiểu của quy định giúp nâng cao hiệu quả thực thi, tạo sự đồng thuận và hợp tác tốt hơn giữa các cấp, các ngành.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cần có những hành động thiết thực và kịp thời để bảo vệ môi trường, một nhiệm vụ không chỉ mang tính cấp bách mà còn lâu dài.

Củng cố niềm tin của nhân dân

Theo bà Lê Thị Tuyến, Bí thư Chi bộ T6, Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, hiện nay, các Đảng bộ và chi bộ trên toàn quốc đang tích cực triển khai thực hiện Quy định 144 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Để đạt hiệu quả cao, bà Lê Thị Tuyến cho rằng các Đảng bộ và chi bộ cần nắm vững nội dung Quy định 144, từ đó hiểu rõ mục tiêu, yêu cầu và nội dung triển khai. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

TTXVN_2902donvihanhchinh2.jpg
Bộ phận một cửa tại Ủy ban Nhân dân phường Phạm Đình Hổ. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)

Đồng thời, cải tiến và đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi bộ, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tăng cường, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, bảo đảm sự nghiêm minh và kỷ luật của Đảng. Vai trò của người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng cũng cần được phát huy, tạo sự lan tỏa tích cực trong toàn Đảng.

Ngoài ra, phương thức lãnh đạo cần được đổi mới, bảo đảm sự hiệu quả, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn. Việc tập trung vào các vấn đề này sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Bà Lê Thị Tuyến cũng nêu ý kiến để Quy định 144 thực sự đi vào cuộc sống, các chi bộ cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Điều này đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ hiểu rõ mà còn tự giác tuân thủ các quy định. Bên cạnh đó, bà Lê Thị Tuyến đề xuất việc thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chi bộ theo hướng mở, tạo điều kiện để mọi đảng viên được tham gia đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm.

Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân trong xây dựng Đảng vững mạnh. Đặc biệt, sự gương mẫu và quyết tâm của người đứng đầu các cấp ủy sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy toàn Đảng bộ và chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng một tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Quy định số 144-QĐ/TW ra đời là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao đạo đức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Với những quy định cụ thể, dễ hiểu và khả thi, văn bản này không chỉ giúp tạo ra một bộ máy chính quyền minh bạch, hiệu quả mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Việc triển khai hiệu quả các nguyên tắc "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư" sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên trở thành những tấm gương sáng, lan tỏa giá trị tích cực trong cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục