“Quy định ‘nới room’ sẽ được ký trước khi Nghị định 60 có hiệu lực“

Ủy ban chứng khoán sẽ hoàn thiện Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP và trình Bộ Tài chính ngay trong tuần này và đảm bảo sẽ được ký trước khi Nghị định có hiệu lực.
“Quy định ‘nới room’ sẽ được ký trước khi Nghị định 60 có hiệu lực“ ảnh 1Hội thảo “Triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP”, ngày 13/8 (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ủy ban chứng khoán sẽ hoàn thiện Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP để trình Bộ Tài chính ngay trong tuần này và đảm bảo sẽ được ký trước khi Nghị định có hiệu lực.

Đây là lời cam kết được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đưa ra tại Hội thảo “Triển khai Nghị định 60/2015/NĐ-CP”, ngày 13/8, tại Hà Nội.

Cụ thể, Nghị định 60 sẽ được thi hành kể từ 1/9, nội dung cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu mong đợi của thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và hệ thống pháp luật Việt Nam.

Nội dung Nghị định bao gồm những quy định sửa đổi, bổ sung về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán ra nước ngoài, mua lại cổ phiếu, chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, niêm yết, giao dịch chứng khoán, tổ chức kinh doanh chứng khoán và một số quy định về quỹ đầu tư bất động sản.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo, về cơ bản các Thông tư hướng dẫn thực thi Nghị định 60 đã được hoàn chỉnh. Theo ông, Nghị định này ra đời trong diễn ra trong bối cảnh Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư được ban hành mới đã tạo nên khuôn khổ pháp lý quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

“Gắn với các cam kết WTO và gần đây hoạt động đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang bước vào cuộc chơi mới của hội nhập quốc tế, do đó việc ‘mở room’ là xu hướng tất yếu cần được triển khai. Đây cũng là bước đệm ban đầu, giúp cho doanh nghiệp đánh giá, phối-kết hợp tạo ra sự đồng thuận cao trong hợp tác, mở cửa và tiếp tục phát triển. ‘Quả bóng’ bây giờ đang nằm ở phía doanh nghiệp,” ông Bằng nói.

Tại Hội thảo, nội dung Dự thảo Quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Dự thảo Thông tư hướng dẫn chào bán chứng khoán; Dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết về niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán; Dự thảo Quy định cấp mã số giao dịch chứng khoán trực tuyến đã được đại diện các vụ chuyên trách giới thiệu và trao đổi cùng các thành viên thị trường.

Theo đó, Nghị định sau khi được thi hành sẽ đảm bảo được những mục tiêu, như tăng cường giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn của doanh nghiệp, quyền hợp pháp của nhà đầu tư, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Kiện toàn và thống nhất các quy định nhằm thể chế hóa các cam kết hội nhập, khơi thông dòng vốn đồng thời nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Như vậy, ngoại trừ các ngành nghề mà pháp luật đầu tư có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc theo điều ước quốc tế, Nghị định đã mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đến 100% đối với các công ty đại chúng tùy theo quyết định của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng mở ra “cánh cửa” rộng đa dạng hóa dịch vụ chứng khoán và bổ sung sản phẩm mới cho thị trường (chứng quyền có đảm bảo, quỹ đầu tư bất động sản, chào bán niêm yết ở nước ngoài…)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục