Quy định công bố thông tin chặt chẽ, sao thực thi lại không nghiêm?

Mặc dù, các quy định pháp luật của Việt Nam là rất chặt chẽ, tuy nhiên việc công bố thông tin của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán vẫn gây ra những “hiểu lầm,” khiến các quyết định đầu tư
Sự kiện “NDH Talk 09: Công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán,” ngày 4/4. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
Sự kiện “NDH Talk 09: Công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán,” ngày 4/4. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

“Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó vi phạm về công bố thông tin chiếm hơn 50%. Chưa hết, chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề, việc quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp nhất so với các nước trong khối ASEAN hay ASEAN 6.”

Nội dung trên được ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nêu ra tại sự kiện “NDH Talk 09: Công bố thông tin của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán,”  ngày 4/4.

[BSC ra mắt sản phẩm công nghệ hỗ trợ nhà đầu tư chứng khoán]

Quy định vượt cả chuẩn mực quốc tế

Trên thực tế, những quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến công bố thông tin tại Việt Nam là theo chuẩn mực quốc tế và thậm chí hơn cả các chuẩn mực về công bố theo quý và năm kiểm toán. Cụ thể, các doanh nghiệp niêm yết trong nước phải công bố thông tin theo từng quý, 6 tháng soát xét và hàng năm có kiểm toán.

Song, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhìn nhận, “khuôn khổ pháp lý chặt chẽ nhưng việc thi hành lại có nhiều vấn đề. Tuy nhiên, hiện tại chiều hướng thực thi đã tích cực hơn trong 5 năm qua, tình trạng các doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin đã giảm nhiều.”

Quy định công bố thông tin chặt chẽ, sao thực thi lại không nghiêm? ảnh 1Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

“Việc công bố thông tin ‘mập mờ’ đến mức các thành viên trong ngành có thể nhìn nhận sẽ có chuyện xảy ra, song khi quy trình pháp luật rà soát lại không ‘bắt bẻ’ được doanh nghiệp vi phạm,” ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán SSI thẳng thắn chỉ ra.

Từ góc nhìn của người quan sát thị trường, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện quản trị công chứng Australia - CMA cho hay, các công ty thực thi công bố thông tin tài chính đang có khá nhiều bất cập (từ việc công bố đến chất lượng thông tin). Về chuẩn mực kế toán, Việt Nam là một trong mười hai quốc gia trên toàn cầu đang đi con đường riêng và không theo chuẩn mực quốc tế.

Ông này chia sẻ, từ một con số thống kê không chính thức, thị trường chứng khoán Mỹ hàng năm có trung bình 300 trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán yêu cầu phải trình bày lại báo cáo tài chính. Song, ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào bị yêu cầu như vậy, điều này khiến các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn trong giám sát chất lượng thông tin công bố.

“Nguyên nhân là Việt Nam có nhiều ‘room’ để dựa vào từ đó có thể công bố thông tin theo một định hướng nào đó,” ông Long nhấn mạnh.

Một thực tế khác cũng được vị chuyên gia nêu lên, việc công bố thông tin phi tài chính, như báo cáo thường niên, báo cáo bất thường, doanh nghiệp đang thực thi với xu hướng làm cho mình đẹp hơn với tính minh bạch chưa cao.

“Cụ thể, việc công bố thông tin tương lai của doanh nghiệp, như bản cáo bạch, thông tin dự báo… để thị trường dựa vào đánh giá để ra quyết định đầu tư nhưng hầu như chưa được bên nào kiểm chứng, hiện  chỉ dựa trên thái độ tình nguyện của doanh nghiệp,” ông này nói.

"Đã làm hết sức, nhưng chỉ có thế thôi"

Ông Nguyễn Duy Hưng nhìn thẳng vào vấn đề và chỉ ra việc này trở nên “thường tình như ở huyện." Các thành viên trên thị trường luôn được nghe những câu nói quen thuộc, như “mọi thứ như thế đấy, chúng ta đang cố gắng hết rồi," hay như "chúng tôi làm hết sức nhưng chỉ có thế thôi."

Vậy điều gì đang xảy ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam đã có đủ cả "cây gậy" và "củ cà rốt"?

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tài chính với môi trường quốc tế, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Chuyên gia về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực. Khi quy mô thị trường lớn lên, khối lượng công việc nhiều lên, cơ quan quản lý cần thực hiện nhiều công việc hơn.

“Chất lượng công bố thông tin trên thị trường đã được cải thiện rõ rệt và dù có thấp nhưng đã thay đổi. Hệ thống luật pháp Việt Nam đã có thông tư, nghị định, Luật Doanh nghiệp, quy định trong ngành ngân hàng có thay đổi với các chuẩn mực quốc tế định hướng cho công ty Việt Nam,” bà Nguyệt Anh nói.

Vì vậy, khi chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những vi phạm về công bố thông tin trên thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh, “vấn đề khó kiểm soát nhất là đạo đức nghề nghiệp.”

Ông Hưng phân tích, một doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững sẽ tự khắc tuân thủ các quy định và không chỉ dừng lại ở trách nhiệm mà còn nỗ lực thực thi hướng tới “niềm tin” của thị trường. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp đặt lợi ích lên trên hết, họ sẽ luôn cố gắng “lách luật” với mục tiêu huy động được vốn.

Quy định công bố thông tin chặt chẽ, sao thực thi lại không nghiêm? ảnh 2Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán SSI chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: BTC/Vietnam+)

Thời gian gần đây, các mức xử phạt vi phạm hành chính đã khá mạnh, có những vụ việc số tiền xử phạt lên đến 7 - 8 tỷ đồng, nhưng với những lợi ích thu về từ các hành vi vi phạm có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, điều này khiến giá trị của “đạo đức nghề nghiệp” trong quản trị công ty có phần bị xem nhẹ.

Nhấn mạnh những giải pháp cải thiện các vấn đề này, ông Thành Long cho rằng,chỉ khi bị thị trường giám sát, các doanh nghiệp bị đánh vào lợi ích, họ sẽ có ý thức làm đúng luật.”

Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, ông Trần Đình Cường cho rằng, “mọi việc phải xuất phát từ người lãnh đạo cao nhất và ban điều hành. Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng có vai trò trong nỗ lực này. Vì vậy, cơ quan này cần phải có thêm những vai trò lớn hơn đối với thị trường để có những phản ứng nhanh, kịp thời và đủ mạnh.”

Ghi nhận những ý kiến đóng góp trên, ông Trần Văn Dũng cho biết, “cơ quan quản lý đang xây dựng Luật với trách nhiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và tổng thể, đảm bảo tính minh bạch. Với vai trò kiểm tra thanh tra, xử lý vi phạm, tới đây các hình thức xử phạt vi phạm công bố thông tin sẽ tăng lên nhiều hơn đối với các tập thể và cá nhân đồng thời việc xử lý hình sự cũng sẽ mạnh hơn.”

Bên cạnh những biện pháp “cây gập”, bà Nguyệt Anh cho rằng, cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cần có nhiều hơn các chương trình nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức về quản trị công ty và sự tham gia của các thành viên hội đồng quản trị tại các công ty./.

Quy định công bố thông tin chặt chẽ, sao thực thi lại không nghiêm? ảnh 3Bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Chuyên gia về Quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC phát biểu. (Ảnh: BTC/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục