Quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá các mặt hàng

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi Luật Giá nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Trần Thị Nhị Hà phát biểu ý kiến. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, chiều 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi Luật, đồng thời nhấn mạnh cần bổ sung mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu, quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá.

Bổ sung mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng cần bổ sung việc đưa mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh vào Luật, nhất là với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phải có sự thẩm định sao cho phù hợp với thực tiễn.

Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.

Nhưng trên thực tiễn, trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, có những thời điểm, giá một số loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit xét nghiệm, khẩu trang tăng rất nhanh.

Từ đó, đại biểu đề nghị trong nội dung điều khoản cần làm rõ khái niệm không phù hợp, bởi thực tế một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá bán hàng hóa cao hơn giá nhập khẩu vài chục phần trăm, tạo tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế công lập khi phải mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phòng, chống dịch, thậm chí có bên bán không muốn tham gia giao dịch với các cơ sở y tế Nhà nước vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.

[Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV: Sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá]

Trước thực tế trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào Khoản 3 Điều 20 của dự án Luật.

Đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình) nhận thấy các nội dung quy định tại dự thảo Luật đã khắc phục được bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng, trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng quy định các nội dung về quản lý giá như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ giới hạn, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa đảm bảo tính bao quát một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến điều khoản minh bạch trong quản lý giá, chưa quy định rõ tiêu chí cụ thể về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Căn cứ xác định danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong các trường hợp tổ chức kinh doanh trên nền tảng số chưa được đề cập và chế độ trách nhiệm trong thẩm định giá nhà nước chưa rõ ràng.

Đề cập về giá tham chiếu, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị chỉnh sửa thành giá tham chiếu là mức giá đại diện của hàng hóa, dịch vụ tại thị trường trong nước và quốc tế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá và kết quả trực tiếp thực hiện khảo sát thông tin thị trường, kết quả tổ chức tư vấn cung cấp đã được thẩm tra để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng làm căn cứ quyết định giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ.

Quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đánh giá cao và nhất trí với nhiều nội dung của Tờ trình, Báo cáo thẩm tra, ghi nhận các cơ quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu hồ sơ, tài liệu, kịp thời có Báo cáo giải trình ý kiến thảo luận tại tổ để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Cho rằng cơ quan soạn thảo quan tâm đến quy định về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần quy định chi tiết một số nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện được bình ổn giá.

Đặc biệt là đối với mặt hàng xăng dầu thành phẩm, thuốc bảo vệ thực vật nhằm tránh can thiệp quá sâu vào thị trường, đảm bảo định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững.

Đồng thời, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến bình ổn giá để không làm hoặc giảm thiểu ảnh hưởng đến việc đầu tư nâng cao chất lượng trang thiết bị, vật tư y tế cho khám chữa bệnh.

Bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bình ổn giá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của dự thảo, tuy nhiên, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị cần tiếp tục quy định rõ hơn các tiêu chí để xác định khi nào giá tăng quá cao hoặc quá thấp gây ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh mặt bằng giá thị trường.

Đồng thời, tại Điều 20 dự thảo Luật, Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bình ổn giá, bao gồm điều hòa sản xuất hàng hóa trong nước, hàng hóa xuất nhập khẩu, điều hòa hàng hóa giữa các vùng, giữa các địa phương thông qua tổ chức lưu thông hàng hóa mua vào bán ra dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông quy định giá cụ thể giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất từng loại hàng hóa, dịch vụ và thời hạn áp dụng.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng quy định trên là khá rộng về thẩm quyền nhưng lại thiếu các tiêu chí, căn cứ và phương pháp định giá cụ thể. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu minh bạch, ảnh hưởng không tốt cho thị trường, không đảm bảo với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Góp ý về Quỹ Bình ổn giá, đại biểu đề nghị cần tiếp tục đánh giá sự phù hợp của Quỹ nhằm tránh lạm dụng hoặc giảm thiểu tác động không mong muốn khi thực hiện bình ổn giá.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Công Hoàng phát biểu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng việc sửa đổi sẽ khắc phục được hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế.

Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh vấn đề giá là chìa khóa cho mọi vấn đề, do đó vai trò thẩm định giá sẽ có ý nghĩa quyết định.

Nhiều ý kiến nhận định thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này đã góp phần giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc giảm quá mạnh.

Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân.

Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích Quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường.

Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn.

Do đó, các đại biểu cho rằng nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo luật, không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.

Đối với việc thẩm định giá hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa Bộ, ngành quản lý, các đại biểu đề nghị khi thẩm định giá cần có cơ quan tài chính cùng cấp tham gia để đảm bảo tính khách quan, phòng ngừa trường hợp lợi dụng gây thất thoát.

Về các hành vi bị cấm, một số đại biểu cho rằng quy định đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để tránh bỏ sót, đồng thời cần thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn nữa để đảm bảo khả thi khi áp dụng, nhanh chóng tạo tác động thực tế khi luật được chính thức ban hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục