Sáng 20/2, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đây là dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Luật theo hướng: Quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường.”
Cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy bao quát trách nhiệm của các tổ chức đối với bảo vệ môi trường, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Về đánh giá tác động môi trường hai bước, cơ quan thẩm tra cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập đánh giá tác động môi trường thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định hai bước lập đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường là cần thiết.
Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, dự thảo lần này đã chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, quy định cụ thể “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa,” yêu cầu phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; có quy định chặt chẽ về danh mục phế liệu được nhập khẩu và điều kiện kinh doanh, nhập khẩu phế liệu như tại Điều 78 “Bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.”
Cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ băn khoăn, cho rằng, dự thảo Luật quy định rất nhiều vấn đề liên quan đến các luật chuyên ngành khác như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, các luật về thuế…. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra tiến hành rà soát tổng thế dự án luật để tránh chồng chéo, trùng giẫm đối với các hệ thống pháp luật.
Một vấn đề khác được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chi tiết, giám sát chặt chẽ trong việc thực hiện nhập phế liệu để đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị cần xem xét lại việc cho phép nhập phế liệu, vì việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, tránh để Việt Nam biến thành bãi rác thải của thế giới. Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục cho phép thì cần quy định cụ thể, chi tiết. Mặc dù tán thành với quan điểm cho phép nhập khẩu phế liệu nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Về đánh giá tác động môi trường hai bước, nhiều ý kiến đề nghị để tránh gây khó khăn, lãng phí, Luật cần bổ sung quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường ban đầu. Theo đó, loại dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hai bước sẽ không nhiều, được giới hạn chỉ đối với các dự án lớn, có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường (như một số dự án thủy điện hay khai thác khoáng sản quy mô lớn).
Liên quan đến quy định bổ sung cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có ý kiến của Bộ Nội vụ để phù hợp với quy hoạch số lượng cán bộ, công chức chung của cả nước.
Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật công chứng (sửa đổi)./.