Ngày 21/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục tại Quốc Hội.
Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp sư phạm lên đại học sư phạm, nâng chuẩn trình độ được đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, các đại biểu kiến nghị cần phải có lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tránh không làm xáo trộn, ảnh hưởng hoạt động của các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để bảo đảm chất lượng và số lượng theo yêu cầu.
Nâng chuẩn trình độ theo lộ trình
Nhiều đại biểu đề nghị quy định chuẩn nhà giáo cần hợp lý, sát với thực tiễn hơn và cân nhắc lộ trình khoảng 10 năm nhằm đảm bảo tính khả thi của việc nâng chuẩn đào tạo lên trình độ cao đẳng đối với giáo viên mầm non, trình độ đại học đối với giáo viên tiểu học.
Đồng tình với nội dung báo cáo, Đại biểu quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) cho rằng, nâng chuẩn đào tạo giáo viên mầm non từ trình độ trung cấp lên cao đẳng là cần thiết.
[Đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bỏ thi Trung học phổ thông]
“Tâm sinh lý trẻ em tuổi mầm non tạo nền tảng phát triển đầu đời, hình thành nhân cách cho trẻ, do đó giáo viên mầm non phải đáp ứng được nhu cầu này và phải có phẩm chất, năng lực riêng phù hợp. Tại các nước phát triển, giáo viên mầm non quy định có trình độ đại học, sau đại học và phải được xác nhận trình độ và năng lực làm việc với trẻ em…,” bà Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Thảo cũng băn khoăn về lộ trình nâng cấp chuẩn giáo viên mầm non khi mà số lượng giáo viên mầm non có hàng chục ngàn người chưa đạt chuẩn và thời gian đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng và đại học lại khá dài. Nếu quy định không cho phép tuyển mới sẽ gây ra những khó khăn cho địa phương vì thiếu giáo viên cục bộ.
Cũng theo Đại biểu này, ước tính chi phí đào tạo liên thông khoảng 8 triệu đồng/giáo viên, như vậy tổng đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Do đó, Dự luật cần làm rõ nguồn lực tài chính đồng thời chất lượng nâng chuẩn giáo viên phải đi vào thực chất, đáp ứng được yêu cầu.
Chính sách vay tín dụng chưa khả thi
Theo các đại biểu, chính sách vay tín dụng sư phạm nhằm thu hút các học sinh khá, giỏi vào học sư phạm, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục. Và, Dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt với điều kiện nếu học sinh, sinh viên sư phạm không công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho Nhà nước
Về vấn đề này, đại biểu Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, chính sách tín dụng sư phạm phải phù hợp với mục tiêu thu hút người tài, người giỏi. Song thời gian qua, mặc dù đào tạo trong lĩnh vực giáo dục được miễn phí, nhưng kết quả điểm thi đầu vào ngành sư phạm lại rất thấp, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Trong trường hợp sinh viên tốt nghiệp song không đáp ứng được yêu cầu xã hội, không có việc làm mà lại được vay tín dụng thì khả năng trả nợ sẽ gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trên cho người không học sư phạm nhưng được tuyển dụng vào ngành giáo dục, các đại biểu cho rằng, chính sách này chỉ áp dụng đối với người học trong thời gian đào tạo tại các trường, khoa sư phạm để thu hút người giỏi vào nghề sư phạm, không mở rộng đến các đối tượng khác./.