Quy định chặt biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền trong điều tra, xét xử

Ủy ban Tư Pháp nhận thấy phương án cho phép chi trả cho bị hại trong giai đoạn tố tụng trước xét xử sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho bị hại và cho cả người bị buộc tội (trường hợp bị tính lãi).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng 30/10, Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; tờ trình và dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Cần cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 675/TTr-CP của Chính phủ.

Về thủ tục đầu tư đặc biệt trong Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, theo ông Vũ Hồng Thanh, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm chưa được tổng kết, đánh giá. Vì vậy, đề nghị rà soát, cân nhắc, thận trọng đối với đề xuất này và bổ sung đánh giá kỹ lưỡng. Ngoài ra, Luật PPP đã được áp dụng khoảng 5 năm, nhưng việc huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án PPP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị cần làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án PPP thời gian qua để có giải pháp phù hợp hơn.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, đánh giá tác động cụ thể về việc áp dụng các quy định về đấu thầu trước. Đồng thời, làm rõ trường hợp việc ký kết hợp đồng dựa trên kết quả của quá trình đấu thầu trước có thể không đáp ứng yêu cầu của dự án được phê duyệt có cần thiết phải tổ chức đấu thầu lại hay không; phân định rõ nội dung đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và đấu thầu trước đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu khác.

Quy định chặt chẽ về biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử

Báo cáo thẩm tra Dự án Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận số 87-KL/TW của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giải quyết các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Mạnh Cường phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Về biện pháp xử lý vật chứng, tài sản là tiền (khoản 1 Điều 3), Ủy ban Tư Pháp nhận thấy, phương án quy định cho phép chi trả cho bị hại trong giai đoạn tố tụng trước xét xử sẽ bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho bị hại và cho cả người bị buộc tội (trường hợp khoản bồi thường bị tính lãi).

Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, việc cho phép chi trả bồi thường thiệt hại là phần giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, nội dung này thuộc thẩm quyền của Tòa án ở giai đoạn xét xử. Vì vậy, Ủy ban Tư Pháp tán thành việc quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng, đồng thời phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định.

Về biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản, Ủy ban Tư Pháp cơ bản tán thành quy định của Dự thảo và cho rằng, trong quá trình tố tụng nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội. Ủy ban Tư Pháp cũng tán thành quy định của Dự thảo về biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản (khoản 5 Điều 3) và cho rằng, đây là biện pháp có vai trò rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục