Các ngân hàng lớn của châu Âu và Mỹ đã tìm thấy một nơi để tạm “gửi gắm” những trái phiếu mất giá của doanh nghiệp hoạt động trong ngành năng lượng.
Hãng tin Reuters đưa tin rằng các ngân hàng Barclays (Anh), Credit Suisse (Thụy Sỹ) và Wells Fargo (Mỹ) và một số ngân hàng khác đã nhận những khoản tín dụng ngắn hạn của các công ty lớn đang điều hành những quỹ đầu tư tương hỗ trên thị trường tài chính Mỹ như Fidelity Investments, BlackRock Inc, American Beacon... Đổi lại, các quỹ này chấp nhận trái phiếu bị đánh giá ở mức “rác” (không đáng đầu tư) của các công ty trong ngành năng lượng đang làm ăn kém hiệu quả là tài sản thế chấp.
Mặc dù giá trị của số trái phiếu trên đang rơi tự do khi giá dầu giảm mạnh gần đây, các quỹ đầu tư sẵn sàng chấp nhận chúng, bởi đây là cách mang lại mức lãi suất cao hơn mặt bằng thị trường, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức lãi suất gần bằng 0% như hiện nay.
Trong năm 2014, lợi nhuận bình quân của các nhà đầu tư quỹ tiền tệ chịu thuế chỉ là 0,01%. Các ngân hàng hiện còn tồn khoảng 90 tỷ USD tiền vay ngắn hạn được thế chấp bằng các tài sản đầy rủi ro, bao gồm tín phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp.
Số liệu chính xác về giá trị các khoản vay được thế chấp bằng trái phiếu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, mà được đánh giá “đồng nát,” chưa được công bố.
Tuy nhiên, hãng Reuters dẫn thông tin do một quỹ đầu tư tiết lộ, cho biết những thỏa thuận như trên có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn từ 20-50 điểm phần trăm cho các quỹ đầu tư. Trong khi các khoản vay được đảm bảo bằng trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ có thể giúp tăng lợi nhuận khoảng 10 điểm phần trăm hoặc ít hơn.
Doanh nghiệp quản lý quỹ đầu tư tương hỗ hàng đầu của Mỹ Vanguard Group lại chọn phương án an toàn hơn.
Người phát ngôn của doanh nghiệp này David Hoffman nói rằng các quỹ tiền tệ do Vanguard Group điều hành chỉ chấp nhận tài sản thế chấp bằng trái phiếu chính phủ Mỹ. Đây cũng là điều dễ hiểu do trong những giai đoạn khó khăn thì trái phiếu kho bạc Mỹ có khả năng thanh khoản cao hơn tất cả những tài sản khác.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bày tỏ quan ngại rằng một số ngân hàng đã dựa quá nhiều vào các khoản vay thế chấp bằng trái phiếu mất giá và coi đây như một nguồn cung vốn quy mô lớn.
Mặc dù một loạt quy định mới đã được ban hành song nhiều yếu tố rủi ro vẫn còn tồn tại, với bài học lớn nhất mang tên Lehman Brothers - “chìm xuồng” với khoản nợ 613 tỷ USD, vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers vào năm 2008 được đánh giá là tồi tệ nhất và là bài học vẫn còn nguyên giá trị./.