Quy chuẩn 5 cấp độ chất lượng cho bệnh viện

Quy chuẩn 5 cấp độ chất lượng cho các bệnh viện

Vừa qua, lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện thông qua 83 tiêu chí, trong đó lấy người bệnh là trung tâm. 
Quy chuẩn 5 cấp độ chất lượng cho các bệnh viện ảnh 1Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh cho người dân. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Hiện nay, nhiều vấn đề của ngành y tế đang trở nên rất “nóng” như chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế xuống cấp hay việc quản lý hành nghề y tư nhân nhiều địa phương còn “lỏng tay,” chưa kiểm soát chặt chẽ...

Vừa qua, lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện thông qua 83 tiêu chí. Đây được coi là công cụ đánh giá thực trạng chất lượng của các bệnh viện để có hướng can thiệp, cải tiến những “khiếm khuyết” trên.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) xung quanh việc đánh giá chất lượng các bệnh viện.

- Thưa ông, việc Bộ Y tế hành ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện sẽ được triển khai quyết liệt và rộng rãi trong thời gian tới?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Hiện nay các bệnh viện đang triển khai tự đánh giá chất lượng theo tiêu chí này và sau đó Bộ Y tế và Sở Y tế sẽ tiếp tục đánh giá các nội dung của tiêu chí.

Mục tiêu của tiêu chí nhằm xác định những vấn đề về chất lượng mà bệnh viện cần phải có những cải tiến để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Bộ tiêu chí chia làm 5 cấp độ chất lượng để đánh giá các bệnh viện, nếu mức độ nào sau khi bệnh viện chấm điểm ở mức thấp phải tập trung ưu tiên cải tiến nâng cao chất lượng các tiêu chí đó. Đây chính là những nội dung ưu tiên mà các bệnh viện phải ưu tiên trước.

Sau một thời gian thực hiện, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có đánh giá lại xem việc thực hiện của các bệnh viện như thế nào, đồng thời trong quá trình tự đánh giá của các bệnh viện chúng tôi sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến từ phía các bệnh viện để xem bộ tiêu chí đã phản ánh được hết các khía cạnh chất lượng bệnh viện chưa và sẽ tiếp tục bổ sung, cải tiến, nâng cấp theo bộ tiêu chí này.

- Cơ sở nào để ngành y tế đưa ra bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện như trên?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Bộ tiêu chí xây dựng dựa trên căn cứ từ các văn bản pháp luật của Việt Nam, học hỏi kinh nghiệm, những vấn đề chất lượng của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, bộ tiêu chí trên cũng xét trên khía cạnh điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam còn ở mức độ nước nghèo, vì vậy việc đưa tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Trong bộ tiêu chí có đầy đủ các nội dung liên quan đến, hướng đến người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm, phát triển nhân lực bệnh viện, các hoạt động chuyên môn hướng tới an toàn người bệnh, nâng cao hiệu quả của chất lượng chuyên môn, đồng thời hiệu quả của lãnh đạo và quản lý bệnh viện.

Sau khi triển khai đánh giá năm nay chúng tôi sẽ xem xét, rà soát lại lấy ý kiến của các Sở Y tế, bệnh viện lấy ý kiến để tiếp tục bổ sung, cải tiến bộ tiêu chí này.

Quy chuẩn 5 cấp độ chất lượng cho các bệnh viện ảnh 2 Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

- Thời gian gần đây, có rất nhiều người bệnh bức xúc và phản ánh về thái độ của nhân viên y tế chưa tận tình, hòa nhã. Bộ tiêu chí trên xây dựng có rất nhiều nội dung nhằm cải thiện để làm hài lòng người bệnh hơn. Ông có thể nói rõ hơn những nội dung chủ yếu lấy người bệnh làm trung tâm như thế nào?



Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Bộ tiêu chí có phần lấy người bệnh là trung tâm tức là coi người bệnh như khách hàng của mình. Nhân viên y tế khi người bệnh đến thấy phấn khởi, tiếp đón niềm nở, mọi người trong bệnh viện hết lòng phục vụ bệnh nhân. Như vậy, mọi nỗ lực của nhân viên y tế đều tập trung vào người bệnh.

Hiện nay các bệnh viện đang tiến hành tự đánh giá, trong tháng 1/2014 sẽ thành lập các đoàn để đánh giá các bệnh viện.

- Là cơ quan chủ quản theo dõi, quản lý việc này, ông có thể đánh giá có khoảng bao nhiêu bệnh viện đạt kết quả cao chấm theo bộ tiêu chí trên?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Chúng tôi đang chờ kết quả tự đánh giá của các bệnh viện báo cáo về trong thời gian tới. Tuy nhiên mục đích của chúng tôi không phải đánh giá xong các bệnh viện đều đạt cao, như vậy sẽ không còn có cơ hội cải tiến nữa.

Bộ tiêu chí mà lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng là làm sao tìm ra khoảng cách giữa các bệnh viện hiện nay đang thiếu hụt để có giải pháp cải tiến. Tôi chắc chắn rằng không có bệnh viện nào đạt 100% các tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện vừa đưa ra.

Năm nay chúng tôi chưa xếp hạng chất lượng bệnh viện, mà đây gần như là đánh giá sơ bộ ban đầu, để các bệnh viện nỗ lực tập trung cải tiến theo các tiêu chí đó. Còn những năm tiếp theo chúng tôi sẽ đặt vấn đề xếp hạng chất lượng, như vậy các bệnh viện mới có thời gian để thực hiện các giải pháp.

- Như ông vừa đánh giá, có nhiều điểm trong bộ tiêu chí là quá cao so với nhiều bệnh viện. Vậy, qua tìm hiểu các tiêu chí cao quá, Cục có điều chỉnh, hay căn cứ để giảm bớt các tiêu chí để các bệnh viện áp dụng được?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Hiện nay, Bộ tiêu chí chia làm 5 cấp độ chất lượng để đánh giá các bệnh viện. Những tiêu chí ở mức độ 3 hầu hết đều trong phạm vi các văn bản quy định của ngành y tế, còn lại những bệnh viện làm được tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam đều đước xếp ở mức 4.

Còn lại 1 số mức độ chất lượng cao, tại Việt Nam đã có một số bệnh viện đạt được chúng tôi mới đưa vào tiêu chí và những bệnh viện đạt theo chuẩn chất lượng thế giới thì phải đạt ở mức 5. Đó là bậc thang chất lượng bệnh viện mà ngành y tế đưa ra như vậy, để các bệnh viện phải có mục tiêu phấn đấu.

Nếu sau khi đánh giá bệnh viện nào đang ở mức thấp đạt 40%, 50% thì cũng không nên lấy đó làm buồn. Bởi đó là chủ ý của bộ tiêu chí mà chúng tôi đưa ra, nhằm tạo ra khoảng cách về chất lượng cần các bệnh viện phải nỗ lực phấn đấu để chất lượng tốt hơn, hài lòng bệnh nhân hơn.

- Một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện là bệnh viện phải thực hiện khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người bệnh. Vậy theo ông, cách chấm điểm tiêu chí này bằng cách nào cho khách quan và chuẩn xác nhất để xếp hạng bệnh viện?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Bộ trưởng Bộ Y tế đã cho biết, việc đo lường chất lượng của người bệnh sẽ có 1 đề án riêng, độc lập với đề án này, hiện nay chúng tôi cũng đang tập trung vào đối tượng các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh, sẽ có bộ đo lường riêng nằm ngoài bộ tiêu chí này.

Tuy nhiên trong bộ tiêu chí cũng có quy định một số tiêu chí là bệnh viện cũng phải tự đo lường, đánh giá khảo sát hài lòng của người bệnh, để bệnh viện đó phải tự phát hiện các vấn đề mà người bệnh chưa hài lòng về bệnh viện mình. Thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung cải tiến những vấn đề đó.

- Ông có thể cho biết, cơ quan đánh giá độc lập đã thành lập chưa, nếu thành lập thì cơ quan sẽ đánh giá như thế nào?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Cơ quan đánh giá độc lập đã được quy định trong nghị định 87 năm 2011, Bộ tiêu chí chất lượng chính là bước đệm để chuẩn bị cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện tại Việt Nam. Khi có bộ tiêu chuẩn đồng thời sẽ có cơ quan đánh giá độc lập không lệ thuộc vào các bộ phân khác. Đây cũng là xu hướng chung của quốc tế khi đánh giá thực hiện thường là tổ chức độc lập.

- Theo ông, trong 83 tiêu chí trên thì tiêu chí nào quan trọng nhất để đánh giá chất lượng các bệnh viện?


Ông Nguyễn Trọng Khoa:
Chúng tôi chưa coi tiêu chí nào quan trọng nhất mà đều coi quan trọng như nhau, tất nhiên trong đó có những tiêu chí có hàm lượng tiêu chí nhỏ nhưng phạm vi đánh giá rất lớn. Theo tôi, tất cả những tiêu chí nhỏ và lớn đều được quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng của các bệnh viện.

Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục