Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực ảnh 1Công trình cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) có tổng vốn đầu tư hơn 270 tỷ đồng. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực vừa ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng các công trình, dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án cấp bách; đồng thời chỉ đạo việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nhập khẩu than, khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG (năng lượng sơ cấp), công tác đàm phán hợp đồng nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho phát điện và chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện các chủ trương chính sách về mua bán điện với nước ngoài và phát triển năng lượng tái tạo.

Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Ban Chỉ đạo quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia chịu trách nhiệm về phần việc được phân công; Trưởng Ban hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia là bộ phận tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia; làm đầu mối tổng hợp, phối hợp công việc giữa các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành, địa phương liên quan; giúp Ban Chỉ đạo quốc gia kiểm tra, đôn đốc theo dõi việc thực hiện các dự án; tổng hợp các báo cáo và đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đặc biệt các dự án trọng điểm về điện lực, các dự án cấp bách, các dự án hạ tầng cơ sở nhập khẩu năng lượng sơ cấp và công tác đàm phán ký kết hợp đồng nhập khẩu năng lượng sơ cấp, các dự án phát triển năng lượng tái tạo; tổng hợp và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến mua bán điện với nước ngoài, phát triển năng lượng tái tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục