Quy chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng

Tài sản bán đấu giá là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 66 xe ôtô đã qua sử dụng; trong đó 33 ôtô có dung tích động cơ trên 3.000 cm3, 33 ôtô có dung tích động cơ từ 3.000 cm3 trở xuống.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Danh Lam/TTXVN)
(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Ngày 20/4, Chủ tịch Hội đồng đấu giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký ban hành Quyết định số 1156/QĐ-HDĐG về việc Ban hành Quy chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng năm 2020 theo cam kết tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thông báo mời tham gia đấu giá.

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Vì vậy, ngoài việc duy trì các hạn ngạch thuế quan đã có theo cam kết WTO, Việt Nam cam kết áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với ôtô đã qua sử dụng thông qua hình thức đấu giá công khai.

Hơn nữa, số lượng ôtô đã qua sử dụng nhập khẩu hạn ngạch thuế quan trong Hiệp định CPTPP sẽ tăng với số lượng 6 chiếc mỗi năm, từ năm 2035 trở đi sẽ duy trì số lượng như năm 2034 là 150 chiếc.

[Dịch COVID-19: Thời cơ để thanh lọc, tái cấu trúc doanh nghiệp]

Thực thi cam kết trong Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BCT ngày 22 tháng 1 năm 2020 quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng theo Hiệp định CPTPP.

Ngày 20/4, Bộ Công Thương chính thức ban hành quy chế đấu giá.

Theo đó, tài sản bán đấu giá là hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 66 xe ôtô đã qua sử dụng; trong đó 33 ôtô có dung tích động cơ trên 3.000 cm3, 33 ôtô có dung tích động cơ từ 3.000 cm3 trở xuống.

Đối tượng được tham gia đấu giá hạn ngạch thuế quan ôtô đã qua sử dụng là thương nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, thương nhân nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng phải là doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô theo quy định của pháp luật.

Riêng trường hợp thương nhân tham gia đấu giá và trúng đấu giá nhưng không có Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô thì ủy thác cho doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhập khẩu ôtô thực hiện nhập khẩu.

Đặc biệt, thương nhân tham gia đấu giá thông qua phiếu bỏ giá, mỗi đơn giá đăng ký cho 1 xe.

Cụ thể, bước giá 30 triệu đồng/chiếc cho mỗi lần bỏ giá; tiền đặt trước 50 triệu đồng/chiếc, không phân biệt dung tích động cơ.

Ngoài ra, thương nhân nộp tiền đặt trước tương ứng với số lượng ôtô thương nhân đang ký tham gia đấu giá vào tài khoản của Bộ Công Thương (tên tài khoản: Văn phòng Bộ Công Thương, số tài khoản 999996739999 tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt - chi nhánh Thanh Nhàn, Hà Nội).

Thương nhân chỉ được phép bỏ giá cho số lượng xe không nhiều hơn số tiền đặt trước.

Cụ thể, nếu thương nhân đặt trước số tiền tương ứng với 3 xe, phiếu bỏ giá ghi 1, 2 hoặc 3 đơn giá.

Nếu thương nhân đặt trước số tiền tương ứng với 3 xe, phiếu bỏ giá có thể ghi từ 4 đơn giá trở lên thì đơn giá thứ 4 trở đi sẽ không được xem xét.

Đáng lưu ý, mỗi thương nhân có thể bỏ giá không quá 33 đơn giá cho các loại xe thuộc cả 2 loại dung tích động cơ.

Thương nhân trúng đấu giá là thương nhân có phiếu bỏ giá với mức giá cao từ trên xuống theo thứ tự đến hết số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng.

Kết quả đấu giá của tất cả các thương nhân cùng với danh sách thương nhân trúng đấu giá và lượng hạn ngạch được phân giao sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Báo Công Thương, Báo Giao thông vận tải sau phiên đấu giá chậm nhất 14 ngày kể từ ngày có kết quả đấu giá.

Việc tổ chức đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng, bảo đảm quyền lợi hợp pháp.

Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá từ 8 giờ ngày 24/4.

Hồ sơ gửi về Bộ phận thường trực của Hội đồng đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng năm 2020 tại Hiệp định CPTPP - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục