Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội

Nghị quyết số 757/NQ-UBTVQH15 quy định Chủ tịch Quốc hội xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội ảnh 1Một phiên họp trong Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 757/NQ-UBTVQH15 ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước, Nghị quyết quy định Chủ tịch Quốc hội xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch Quốc hội xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của cơ quan mình.

Người đứng đầu vụ, cục, đơn vị xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin của đơn vị mình.

Người có thẩm quyền có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước đối với thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách.

Việc ủy quyền được quy định trong quy chế làm việc hoặc văn bản phân công công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị hoặc bằng văn bản ủy quyền trong từng trường hợp cụ thể.

Cấp phó được ủy quyền xác định bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Theo Nghị quyết, việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước thuộc các lĩnh vực do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Trường hợp sử dụng bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì phải xác định độ mật tương ứng.

Dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết có nội dung bí mật nhà nước sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua không còn là bí mật nhà nước, trừ trường hợp cần xác định là bí mật nhà nước thì cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì nội dung phối hợp với cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định.

[Ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao]

Trường hợp thông tin trong cùng một tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước có độ mật khác nhau thì xác định theo độ mật cao nhất.

Người tiếp nhận thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước nhưng chưa được xác định là bí mật nhà nước có trách nhiệm báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xử lý theo thẩm quyền hoặc xem xét, quyết định việc chuyển đến cơ quan, đơn vị có chức năng để xừ lý theo quy định. Thông tin tiếp nhận phải được bảo vệ trong quá trình tiếp nhận và xử lý.

Trường hợp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được phép sao, chụp, thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước cũng được quy định cụ thể.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho phép sao chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật.

Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, trừ người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội; người đứng đầu đơn vị tương đương cấp Vụ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật.

Người đứng đầu đơn vị cấp phòng thuộc các vụ, cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Mật.

Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trên có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Nghị quyết cũng quy định các nội dung về mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước cho cơ quan, tổ chức, người Việt Nam được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục