Cộng đồng quốc tế ngày 11/10 đã bày tỏ sự phẫn nộ trước việc một nhà hoạt động nhí ở Pakistan bị Taliban nổ súng bắn bị thương. Còn Tổng thống Barack Obama gọi vụ tấn công này là "đáng ghê tởm." Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng bày tỏ sự kinh sợ trước vụ tấn công nhằm vào Malala Yousafzai, 14 tuổi, người hiện đang được chăm sóc đặc biệt sau khi bị bắn vào đầu trong vụ ám sát giữa ban ngày, lúc đang đi trên một chiếc xe buýt trường học vào ngày 9/10 vừa qua. Sự việc xảy ra ở Mingora, một thị trấn nằm ở thung lũng Swat tại Tây Bắc Pakistan, nơi Malala đã vận động cho quyền được đi học ở đây trong hai năm Taliban nổi dậy. Ngày 10/10, các bác sỹ tại một bệnh viện quân sự ở Peshawar đã phẫu thuật thành công để gỡ viên đạn mắc ở vai cô bé, nơi nó đã xuyên vào khi em bị bắn vào đầu. Malala đang được chuẩn bị đưa ra nước ngoài điều trị nhưng một nguồn tin quân sự cho biết cô bé còn quá yếu để di chuyển. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết rằng quân đội Mỹ đã sẵn sàng để cung cấp phương tiện vận chuyển và chữa trị cho cô bé nếu cần. Chú của cô bé, Saeed Ramzan, cho hay cô bé đã ổn định sau 3 giờ phẫu thuật. Tuy nhiên các bác sỹ nói rằng diễn biến trong 48 giờ tiếp theo sẽ rất quan trọng và người ta sẽ quyết định việc cô bé có được gửi ra nước ngoài hay không. "Chúng tôi thấy cơ thể cháu có chút chuyển động, nhưng hiện bé vẫn đang bất tỉnh nhân sự" - Ramzan nói. Obama đã gọi vụ nổ súng là "đáng chỉ trích và đáng kinh tởm." Còn Tổng thư ký Ban Ki Moon đã "rất cảm động" trước nỗ lực vận động vì quyền được học hành của cô bé và kêu gọi việc đưa những kẻ tấn công hèn hạ ra trước pháp luật. Đại diện chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu là Catherine Ashton cũng lên án vụ tấn công "hành động ghê tởm." Trong khi đó Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai ở cạnh Pakistan đã gọi điện cho người đồng cấp Pakistan Asif Ali Zardari để lên án vụ tấn công. "Các sự kiện tàn bạo này đã làm tăng cường quyết tâm của đất nước trong việc chống lại những tay súng đó tới cùng" - ông Zardari đã nói với ông Karzai. Malala Yousafzai đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận vì làm rõ các hành động tàn ác của Taliban ở Swat, thông qua một blog viết trên trang tin BBC cách đây ba năm. Đó là khi Taliban đốt các ngôi trường dành cho các bé gái và khủng bố thung lũng Swat. Nỗ lực của cô bé đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục ngàn bé gái khác trên đất Pakistan bị các chiến binh Hồi giáo cực đoan từ chối cho tiếp cận với hoạt động giáo dục. Cô bé nhận giải thưởng hòa bình quốc gia đầu tiên từ chính quyền Pakistan trong năm ngoái và đã được đề cử trao giải Hòa bình Trẻ em Quốc tế. Theo Bộ trưởng Nội vụ Pakistan, cô bé sẽ ở lại Pakistan cho tới khi các bác sỹ đồng ý chuyển bé ra nước ngoài. Ông nói rằng tất cả các nỗ lực đã được thực thi để đảm bảo cô bé không bị thương tổn phần não.
Trẻ em trên khắp đất nước Pakistan đang cầu nguyện cho Malala hồi phục sức khỏe (Nguồn: AFP)
Vụ tấn công đã gây sốc và làm tăng sự sợ hãi ở Pakistan, nơi trẻ em trên khắp đất nước đang cầu nguyện cho Malala hồi phục sức khỏe. Các cuộc biểu tình chống lại vụ tấn công cũng diễn ra ở Mingora, Islamabad và Lahore. Lãnh đạo quân đội, tướng Ashfaq Kayani, đã ghé thăm Malala trong ngày 10/10 và nói rằng đã tới lúc "đoàn kết và đứng dậy chống lại những kẻ mang tư tưởng tàn bạo như thế này và lực lượng ủng hộ chúng." Chính quyền tỉnh Peshawa đã treo thưởng 10 triệu rupee (104.000 USD) cho ai cấp tin giúp bắt những kẻ tấn công Malala, vốn đã tẩu thoát sau vụ nổ súng. Các nhà bình luận nói rằng vụ tấn công làm dấy lên câu hỏi vì sao chính quyền không làm nhiều hơn để bảo vệ Malala và vì sau Taliban vẫn xuất hiện ở Swat, dù quân đội nói họ đã đánh bại lực lượng này. Trong bối cảnh sự phẫn nộ dâng cao vì hành động ám hại trẻ em kể trên, Taliban ở Pakistan đã tung ra tuyên bố nói rằng bất kỳ "người phụ nữ nào" chống lại tổ chức này sẽ bị giết. Những kẻ ủng hộ Taliban đã phá hủy hàng trăm ngôi trường ở khu vực Tây Bắc Pakistan./.
Linh Vũ (Vietnam+)