Quốc tế kêu gọi kiềm chế và đối thoại tại Thái Lan

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên ở Thái Lan chung tay tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại.
Quốc tế kêu gọi kiềm chế và đối thoại tại Thái Lan ảnh 1Bà Yingluck Shinawatra tại cuộc họp với Ủy ban bầu cử. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 7/5 ra phán quyết cách chức Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cùng chín thành viên nội các bị cáo buộc lạm quyền và vi phạm hiến pháp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên ở Thái Lan chung tay tìm ra một giải pháp thông qua đối thoại.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc Vannina Maestracci cho biết Tổng thư ký sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình tại Thái Lan, đồng thời hy vọng các bên kiềm chế và tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ và các quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Mỹ kêu gọi các bên ở Thái Lan kiềm chế bạo lực sau phán quyết của tòa án, giải quyết căng thẳng chính trị một cách hòa bình và dân chủ, để người dân có thể chọn ra ban lãnh đạo xứng đáng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jennifer Psaki nhấn mạnh giải pháp hòa bình đó bao gồm các cuộc bầu cử và một chính phủ được bầu.

Trong khi đó, ngày 8/5, lực lượng biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Yingluck nhiều tháng qua tuyên bố sẽ chỉ định một chính phủ mới sau khi bà Yingluck và các thành viên nội các bị cách chức.

Người phát ngôn của lực lượng biểu tình Akanat Promphan cho biết ngày 9/5 lực lượng này "sẽ thực thi các biện pháp tiến tới bổ nhiệm một chính phủ mới."

Ông Promphan cũng cho rằng việc đảng cầm quyền Puea Thai (Vì nước Thái) chỉ định Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan lên thay bà Yingluck là "bất hợp pháp."

Đảng Puea Thai đã bác bỏ phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp, cho rằng đây là "một kiểu đảo chính mới."

Chưa rõ người biểu tình dựa trên cơ sở pháp lý nào để đưa ra tuyên bố thành lập chính phủ mới, tuy nhiên Hiến pháp Thái Lan có một điều khoản quy định Thượng viện có thể bổ nhiệm một cơ quan hành pháp mới.

Các thủ lĩnh biểu tình tuyên bố sẽ tiến hành "trận chiến cuối cùng" vào ngày 9/5, song không nói rõ chi tiết về các kế hoạch của họ. Trong khi đó, những người ủng hộ bà Yingluck cũng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tuần hành quy mô lớn vào ngày 10/5.

Dự kiến trong ngày hôm nay 8/5, cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan sẽ đưa ra kết luận về trách nhiệm của bà Yingluck và một cựu Bộ trưởng liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi của chính phủ. Kết luận này có thể dẫn tới một lệnh cấm bà Yingluck tham gia chính trường trong 5 năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục