Quốc tế kêu gọi đối thoại tìm giải pháp về tình hình Ukraine

Chủ tịch luân phiên OSCE, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter kêu gọi tất cả các nước tham gia thỏa thuận Geneva về Ukraine đàm phán, giải quyết bất đồng.
Lực lượng biểu tình có vũ trang gác bên ngoài đài truyền hình địa phương thành phố Donetsk ngày 27/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter ngày 28/4 kêu gọi tất cả các nước tham gia thỏa thuận Geneva về Ukraine cần tích cực tạo điều kiện để thỏa thuận này được thực hiện.

Thỏa thuận Geneva được ký ngày 17/4 vừa qua trong khuôn khổ đàm phán bốn bên giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine gồm các biện pháp giảm căng thẳng tại Đông Nam Ukraine. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa được thực hiện và các bên đều đổ lỗi cho nhau không thực hiện thỏa thuận.

Chủ tịch Burkhalter cho rằng cuộc khủng hoảng Ukraine cho thấy quan điểm rất khác nhau trong OSCE về những nguy cơ an ninh và điều này đã ảnh hưởng tới cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo ông Burkhalter, cần phải giải quyết những bất đồng này mới khôi phục được an ninh và ổn định ở châu Âu.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga mà phương Tây dự kiến công bố đang vấp phải nhiều chỉ trích từ quốc tế. Các nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Đức cho rằng các biện pháp mới trừng phạt Nga sẽ không có hiệu quả trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mà thay vào đó các bên nên hướng tới đối thoại với Nga.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng thuộc SPD trước đó đã kêu gọi tổ chức đối thoại giữa chính quyền lâm thời ở Kiev với những người biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông Nam. Các chuyên gia Đức cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế dự kiến sẽ áp dụng đối với Nga sẽ tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Đức.

Cựu Giám đốc Chương trình nước Nga thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tomas Gram trong bài báo đăng trên tờ Financial Times số ra ngày 28/4 cho rằng chiến lược cô lập và kiềm chế Nga của Mỹ chắc chắn sẽ thất bại bởi nền kinh tế Nga lớn thứ sáu thế giới và đứng đầu về xuất khẩu dầu khí.

Ngoài ra, việc cô lập Nga cũng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Cựu quan chức này cho rằng Washington nên thay đổi chính sách và cùng với Moskva nỗ lực ổn định tình hình Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục