Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Thanh toán và Hối đoái Hong Kong Charles Li Xiaojia, việc kết nối thành công hai thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hong Kong mới đây “là một bước đột phá quan trọng” của quá trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ mà Trung Quốc đã triển khai lâu nay.
Việc thực hiện mục tiêu trên sẽ tạo điều kiện giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các thị trường vốn thế giới và giảm chi phí giao dịch thương mại, trong bối cảnh đất nước này đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng về mặt kinh tế.
Theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về thương mại toàn cầu, xếp thứ hai về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thứ ba về đầu tư ra nước ngoài.
Nỗ lực vươn tới
Con đường vươn lên thành đồng tiền quan trọng trên thế giới của Nhân dân tệ bắt đầu từ năm 2005, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bắt đầu thả nổi có kiểm soát tỷ giá đồng Nhân dân tệ với USD. Tuy vậy, không giống như đồng USD, euro, franc Thụy Sĩ hay đồng đôla Canada (CAD), Nhân dân tệ chưa có một thị trường trái phiếu chính phủ linh hoạt, yếu tố quan trọng để giúp Nhân dân tệ có thể trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc hiện là nền kinh tế duy nhất trong sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới mà đồng nội tệ chưa đủ điều kiện được coi là một đồng tiền dự trữ quốc tế. Để tương xứng với vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng để cạnh tranh với đồng USD, Bắc Kinh đã không ngừng nỗ lực mở rộng khả năng sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi toàn cầu.
Trong thời gian qua, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng đối với các khu vực mà nước này có thể dễ dàng tác động và các nước đối tác lân cận để hiện thực hóa mục tiêu quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ . Hiện Trung Quốc vẫn đang tập trung phát triển Hong Kong, Thượng Hải trở thành những trung tâm giao dịch đồng Nhân dân tệ toàn cầu , muộn nhất là vào năm 2020.
Tính đến giữa năm 2010, Trung Quốc tiến hành trao đổi bằng đồng Nhân dân tệ với khoảng 23 đối tác thương mại, từ Iceland đến Nhật Bản. Mới nhất, các Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nga đầu tháng Mười vừa qua đã ký một thỏa thuận trao đổi đồng Nhân dân tệ - ruble trị giá 150 tỷ USD nhằm tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương.
Theo các chuyên gia, sự vươn xa của đồng Nhân dân tệ trong bốn năm vừa qua cho thấy chí lực của Bắc Kinh trong việc nâng cao vị thế của đồng Nhân dân tệ trong thương mại toàn cầu đã mang lại kết quả bước đầu. Năm 2014 ghi nhận bước đột phá của đồng Nhân dân tệ trong tiến trình trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Từ giữa năm nay, Trung Quốc và Vương quốc Anh đã bắt đầu chuyển đổi trực tiếp đồng nội tệ của nhau, không phải thông qua USD. Cùng thời điểm, PboC cũng thông báo một chi nhánh của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc được chọn để xử lý giao dịch thanh toán bù trừ đồng Nhân dân tệ ở London.
Thủ đô của Vương quốc Anh hiện là một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, với 1,5 triệu các loại dịch vụ như bảo hiểm, tài chính chất lượng cao - cũng là thị trường trái phiếu đồng Nhân dân tệ và là nơi các ngân hàng Trung Quốc thành lập thí điểm các chi nhánh và hoạt động ở nước ngoài. Ước tính, hiện 2/3 số giao dịch dùng đồng Nhân dân tệ ngoài Trung Quốc được thực hiện ở London.
Cũng trong nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, PBoC đã chỉ định Bank of China - một trong bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc - là ngân hàng thanh toán giao dịch đồng Nhân dân tệ tại Frankfurt (Đức). Với vị thế một trung tâm tài chính quan trọng ở châu Âu và thế giới , nơi "đóng đô" của hai ngân hàng trung ương lớn là Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) , Frankfurt đang tích cực tham gia t rong cuộc chạy đua quyết liệt giành thị phần của thị trường ngoại hối đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc. Ngày 17/11, Frankfurt đã bắt đầu đặt giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ và như vậy, t rung tâm xử lý thanh toán Frankfurt đã trở thành nơi đầu tiên trong khu vực đồng euro cho phép giao dịch trực tiếp Nhân dân tệ.
Và cuối tháng 9/2014, Trung Quốc bắt đầu cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ của nước này với đồng euro. Việc giao dịch trực tiếp Nhân dân tệ - euro sẽ gắn đồng Nhân dân tệ với đồng tiền được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới và là một bước tiến đáng kể trong việc quốc tế hóa Nhân dân tệ. Ông Ryan Song, phụ trách mảng thị trường Trung Quốc tại ngân hàng HSBC, cho rằng các mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và EU - “địa bàn” hoạt động của nhiều trung tâm tài chính-thương mại hàng đầu thế giới - sẽ được tăng cường hơn thông qua hoạt động giao dịch tiền tệ trực tiếp này.
Giấc mơ không xa vời
Theo các chuyên gia, việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ được Trung Quốc thực hiện bằng một chiến lược dài hạn với ba bước về khu vực bao gồm "láng giềng hóa", "khu vực hóa" tiến tới "quốc tế hóa". Trung Quốc phối hợp thực hiện ba bước về mục tiêu chức năng: Một là dùng Nhân dân tệ trong giao dịch, buôn bán với các nước, từ đó tăng tỉ lệ sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế; hai là dựa trên sức mạnh kinh tế và các kênh hợp tác kinh tế để biến Nhân dân tệ thành đồng tiền đầu tư quan trọng tại những khu vực tài chính lớn của thế giới; ba là trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng tiền dự trữ ngoại tệ quan trọng của các quốc gia khác.
Đây là một chiến lược đồng bộ và toàn diện nhắm tới cả hai mục đích: Mở rộng tầm phổ biến, sức ảnh hưởng (thông qua ba bước khu vực) và nâng cao vai trò, vị thế (thông qua ba bước chức năng) của đồng Nhân dân tệ trong hệ thống kinh tế-tài chính thế giới. Điều may mắn là tại thời điểm bắt đầu thực hiện chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, Trung Quốc đã có được lợi thế khách quan. Thứ nhất là các đối thủ lớn đều vướng phải nhiều khó khăn: Khủng hoảng kinh tế đã khiến cả Mỹ và Nhật Bản suy yếu phần nào, trong khi EU đối mặt với khủng hoảng nợ công kéo theo tình trạng bất ổn ở một số nước trong khu vực.
Ngoài ra, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 2008 xảy ra, các nước mới nhận ra rằng việc hệ thống tiền tệ đơn cực "neo gắn" theo đồng USD quả là một rủi ro lớn . Vì vậy, ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ việc đa dạng hóa dự trữ tiền tệ quốc tế và với sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng thì Trung Quốc đương nhiên là lựa chọn hàng đầu. Hiện tại, các ngân hàng trung ương từ châu Á cho tới châu Mỹ đang đưa đồng Nhân dân tệ vào danh mục các đồng tiền dự trữ khi quan hệ thương mại với Trung Quốc gia tăng và những cải cách kinh tế-tài chính trong thời gian qua ở nền kinh tế lớn hai thế giới này dẫn tới việc các nhà quản lý bắt đầu coi Nhân dân tệ là một đồng tiền dự trữ mới.
Như vậy, trong khoảng một thập niên qua, Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ với mục tiêu trở thành một đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, thậm chí thách thức vai trò của đồng bạc xanh trong tương lai. Năm 2013, tổng giá trị các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ trên thế giới đã đạt 4.630 tỷ Nhân dân tệ, trong đó tỷ lệ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt 10%.
Hiện có hơn 10.000 thể chế tài chính quốc tế thực hiện kinh doanh bằng đồng Nhân dân tệ, so với con số 900 trong năm 2011. Đến năm 2015, khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ, khiến Nhân dân tệ trở thành một trong ba đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thương mại toàn cầu, cùng với USD và euro. Theo một số cách nào đó, đồng Nhân dân tệ đã đạt được quy chế đồng tiền quốc tế.
Dự đoán, đến năm 2015, khoảng 30% kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc sẽ được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ. Năm 2013, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã trở thành một trong số mười đồng tiền được sử dụng nhiều nhất, đáp ứng yêu cầu trở thành một đồng tiền toàn cầu và đến năm 2020, đồng Nhân dân tệ sẽ được sử dụng rộng rãi trong thương mại và tài chính quốc tế. Một số ý kiến cho vị trí thống lĩnh của đồng USD trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu “lung lay” và liệu đồng Nhân dân tệ có thể cạnh tranh vị trí này hay không thì thời gian sẽ cho ta câu trả lời chính xác./.