Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết ngay khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo về chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vào tháng 7/2017, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên đăng ký để triển khai thí điểm mô hình này.
Vào thời điểm đó, Bộ Y tế đã thu thập với 1.800 khách hàng ở lứa tuổi trẻ, từ 18 đến 25 tuổi. Những người dùng thuốc liên tục trong 18 tháng và cơ quan chuyên môn không phát hiện thêm ca nhiễm mới. Đây là điều đáng mừng để mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác.
[Việt Nam đang trên lộ trình tiến tới loại trừ AIDS vào năm 2030]
Hai nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam là các tổ chức quốc tế là Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống AIDS (PEPFAR) và Quỹ Toàn cầu đã ủng hộ cho chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm. Chương trình đã được mở rộng rất nhanh chóng từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, đến nay đã có 27 tỉnh/thành phố trong toàn quốc triển khai.
Bên cạnh đó, nhiều phòng khám trên toàn quốc đã triển khai. Đến nay đã có khoảng 100 phòng khám điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, các phòng khám này không chỉ gắn với cơ sở y tế nhà nước mà gồm cả các cơ sở y tế tư nhân.
Với số lượng khách hàng đã tăng nhanh chóng, sau 3 năm đã có 12.000 người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là liệu pháp dự phòng mang tính đột phá, có thể giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tới hơn 92% nếu được sử dụng hàng ngày, như một phần của chiến lược dự phòng tổng thể./.