Quốc tế đồng thuận về nhiều vấn đề chính liên quan đến Afghanistan

Tại cuộc họp của Liên hợp quốc, các bên thảo luận việc gia tăng sự phối hợp của quốc tế với Afghanistan, xem xét các khuyến nghị trong báo cáo đánh giá độc lập của Liên hợp quốc về Afghanistan.

Nhân viên an ninh Taliban gác trên một đường phố ở Jalalabad, Afghanistan, ngày 30/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên an ninh Taliban gác trên một đường phố ở Jalalabad, Afghanistan, ngày 30/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 19/2, kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày tại thủ đô Doha của Qatar dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các đại diện quốc tế đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề chính liên quan đến tình hình Afghanistan dù vẫn còn tồn tại một số trở ngại.

Đây là cuộc họp thứ hai của Liên hợp quốc về Afghanistan trong gần một năm qua, với sự tham dự của đại diện từ hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có Trung Quốc, Nga và Mỹ.

Chính quyền Taliban không cử đại diện tham dự.

Tại cuộc họp, các bên thảo luận việc gia tăng sự phối hợp của quốc tế với Afghanistan, xem xét các khuyến nghị trong báo cáo đánh giá độc lập của Liên hợp quốc về Afghanistan, trong đó có đề nghị chính quyền Taliban thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được cộng đồng quốc tế công nhận.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ các bên mong muốn hòa bình trong nội bộ Afghanistan và với các nước láng giềng, để đất nước này có thể đảm nhận các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số trở ngại cần được tháo gỡ để có thể phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề Afghanistan.

Một mặt nước này vẫn đang do một chính phủ không được quốc tế công nhận điều hành và trên nhiều khía cạnh, vẫn chưa hội nhập được với các thể chế và nền kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, cộng đồng quốc tế cũng chung nhận thức về tình trạng suy giảm quyền con người, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nước này.

Do đó, theo ông Guterres, cần thúc đẩy một lộ trình chung để giải quyết những lo ngại của cộng đồng quốc tế và chính quyền Afghanistan.

Kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan hồi tháng 8/2021, Taliban đã áp dụng nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Cho đến nay, chính quyền Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều nước, tổ chức quốc tế và các cơ quan viện trợ đã cắt giảm tài trợ cho Afghanistan, khiến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục