Quốc tế đánh giá cao các cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu

Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đang phát triển mạnh dạn tuyên bố nỗ lực để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.
Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu Thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) từ ngày 30/11 đến ngày 3/12, Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi về những đóng góp của Việt Nam, cũng như ý kiến đánh giá của cộng đồng quốc tế đối với các cam kết của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

- Thưa Đại sứ, đến với COP28, Việt Nam dự định có những đóng góp gì?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn: Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Đến với COP28, Việt Nam muốn tái khẳng định quyết tâm trong hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các kế hoạch chương trình hợp tác quốc tế chung như Bản đánh giá Toàn cầu lần đầu tiên (Global Stocktake), thảo luận về Quỹ Tổn thất và thiệt hại và lộ trình cắt giảm, loại bỏ điện khí than.

Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Trong khuôn khổ của COP28, Việt Nam cũng sẽ tổ chức: Lễ ra mắt Kế hoạch Huy động nguồn lực Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, các hoạt động giới thiệu nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.

- Dư luận quốc tế đánh giá như thế nào về những cam kết của Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn: Dư luận quốc tế và khu vực đều đánh giá rất cao các cam kết của Việt Nam, nhất là việc Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đang phát triển mạnh dạn tuyên bố nỗ lực để đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040.

Bên cạnh đó, dư luận cũng ghi nhận những hoạt động thực tế về chống biến đổi khí hậu của Việt Nam thời gian qua như thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Trồng rừng đước tại ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với diện tích trồng 4,16 ha, mật độ 7.000 cây đước/ha. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

- Việt Nam đặt kỳ vọng gì vào COP28 và chuyến công tác của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa ra sao đối với quan hệ Việt Nam-UAE, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Mạnh Tuấn: Việt Nam kỳ vọng sự tham gia của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất hiệu quả hơn trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia chịu tác động tiêu cực hàng đầu do biến đổi khí hậu.

Việt Nam mong muốn tại COP28 lần này, các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện NDC ở mức cao hơn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự COP28 có ý nghĩa lớn, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng của Đảng, Nhà nước đến bạn bè quốc tế, tái khẳng định chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với UAE - nước chủ nhà của COP28, một đối tác mới đầy tiềm năng trong nhiều lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm.

Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE sẽ tạo đột phá mới, làm sâu sắc và đưa mối quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Cùng với chuyến thăm Saudi Arabia vừa qua sẽ làm xoay chuyển quan hệ của Việt Nam với các nước Vùng Vịnh, đưa quan hệ vào giai đoạn phát triển mới. UAE và các nước thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) sẽ ngày càng gần gũi hơn với Việt Nam.

- Xin cảm ơn Đại sứ!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục