Quốc tế cực lực lên án vụ sát hại Đại sứ Mỹ ở Libya

Liên hợp quốc cực lực lên án vụ tấn công phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Libya, khiến Đại sứ Mỹ cùng ba nhà ngoại giao khác bị thiệt mạng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/9 đã cực lực lên án vụ tấn công phái đoàn ngoại giao Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya, khiến Đại sứ Mỹ tại Libya cùng ba nhà ngoại giao khác bị thiệt mạng.

Thông cáo báo chí phát đi từ trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ cho biết 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ sự cảm thông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân của vụ tấn công tàn bạo trên.

Hội đồng Bảo an cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Cairo, Ai Cập ngày 11/9.

Các ủy viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh cần nhanh chóng đưa các thủ phạm gây ra vụ sát hại dã man này ra trước công lý, đồng thời khẳng định không gì có thể biện minh cho hành động đó ở bất cứ đâu với bất kỳ lý do và hình thức nào.

[Đại sứ Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công ở Libya]

 
Hội đồng Bảo an cũng nhắc lại rằng tất cả các quốc gia phải đảm bảo quyền bất khả xâm phạm đối với các cơ quan đại diện ngoại giao và các cán bộ nhân viên cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại nước sở tại, đồng thời tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến vấn đề này được nêu trong Công ước Vienne 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Vienne 1963 về quan hệ lãnh sự.

Mặt khác, các ủy viên Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh cam kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ Libya chuyển sang nền dân chủ hòa bình và thịnh vượng.

Cùng ngày 12/9, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Ramussen cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời hoan nghênh "sự lên án và chia buồn của Tổng thống Libya cùng cam kết sẽ hợp tác đầy đủ của Chính phủ Libya."

Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết bà "vô cùng bàng hoàng trước vụ tấn công hèn hạ" này và hối thúc Libya "có những biện pháp không chậm trễ" để bảo vệ tính mạng của tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài làm việc tại nước này.

Cùng lên án vụ tấn công, Ngoại trưởng Anh William Hague nêu rõ không thể biện minh vụ sát hại Đại sứ Mỹ tại Libya, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Libya cải thiện an ninh và truy cứu những ai chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond tuyên bố sẽ "hỗ trợ nhà chức trách tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm và đảm bảo đưa chúng ra xét xử một cách đúng đắn."

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên án vụ tấn công và yêu cầu nhà chức trách Libya đưa ra ánh sáng tội ác ghê tởm và không thể chấp nhận này.

Bộ trưởng Ngoại giao Canađa John Baird cho biết nước này "lên án mạnh mẽ và vô cùng thương tiếc" trước vụ tấn công trên và hối thúc giới chức Libya đảm bảo những kẻ cực đoan chịu trách nhiệm phải được đưa ra xét xử nhanh chóng.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert gọi vụ bạo động nhằm vào các cơ sở ngoại giao "không xứng đáng để mang ra tranh luận chính trị."

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 12/9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ tấn công trên và nêu rõ Mátxcơva coi mọi hành động tấn công các nhà ngoại giao là "hình thức khủng bố."

Tại Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Hồng Lỗi bày tỏ sự bàng hoàng của Bắc Kinh trước vụ tấn công và lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực.

Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, nước này đã tăng cường các biện pháp an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trên khắp Ấn Độ, đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ ở Libya.

Bộ Ngoại giao Cuba cùng ngày đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Chính phủ Cuba nhấn mạnh lập trường phản đối mọi hành động bạo lực nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, đồng thời nêu rõ nước này hoàn toàn chia sẻ trước vụ việc đáng tiếc trên bởi Cuba đã từng là nạn nhân của rất nhiều âm mưu tấn công vào cơ quan đại diện và cán bộ ngoại giao ở nước ngoài.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng ra tuyên bố lên án vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, cho biết ông đã chỉ thị tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới, cũng như sẽ làm việc với Chính phủ Libya để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ.

Tổng thống Obama nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ không ngưng nghỉ cho tới khi những kẻ gây ra vụ sát hại này bị đưa ra trước công lý. Ông cũng đã gọi điện yêu cầu người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai ngăn chặn làn sóng tấn công bạo lực từ Libya và Ai Cập lan sang quốc gia Nam Á này và đe dọa an toàn cho lực lượng Mỹ.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên. Bà gọi đó là một cuộc tấn công gây chấn động và hành vi bạo động vô nghĩa này do một nhóm nhỏ những kẻ dã man thực hiện chứ không phải là chính phủ và nhân dân Libya.

Cũng phản đối hành động bạo lực trên, song một số lãnh đạo thế giới cho rằng chính bộ phim do những thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất là lý do châm ngòi cho vụ tấn công sứ quán Mỹ ở nước ngoài.

Tổng thống Afghanistan Karzai chỉ trích việc phổ biến bộ phim có nội dung chế nhạo Nhà tiên tri Muhammad này đã tạo ra sự phẫn nộ trong dân chúng Hồi giáo.

Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil cho rằng bộ phim xúc phạm Hồi giáo và kêu gọi những người tức giận vì bộ phim hãy kiềm chế. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và đối ngoại của Quốc hội Iran Ala'eddin Borujerdi yêu cầu Tổng thống Mỹ Obama "xin lỗi" người Hồi giáo và ra lệnh ngưng chiếu bộ phim đó./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục