Quốc lộ 5 hư hỏng nặng vẫn "cõng" hàng chục nghìn lượt xe mỗi ngày

Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 18 năm, đang xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe.
Nhà thầu thi công sửa chữa hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe tuyến Quốc lộ 5. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 18 năm và chưa đại tu lần nào (theo định mức yêu cầu 5-10 năm phải đại tu), đã xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe container lưu thông.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI)-đơn vị được giao quyền thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 cho biết, VIDIFI đã lên phương án sửa chữa tổng thể tuyến đường này với tổng kinh phí lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

[VIDIFI: Thu phí 2 trạm trên Quốc lộ 5 chỉ đủ để sửa chữa tuyến đường]

Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được đưa vào khai thác, một phần lưu lượng xe có phân lưu sang đường cao tốc. Tuy nhiên, do đặc điểm Quốc lộ 5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc, do đó, Quốc lộ 5 vẫn là tuyến đường mà các phương tiện vận tải, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn tiếp tục lưu thông với lưu lượng lớn.

Theo ông Tỉnh, VIDIFI được giao thu phí các phương tiện giao thông đường bộ trên Quốc lộ 5 để hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Kể từ ngày 1/1/2016, VIDIFI được bàn giao giao công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ 5 và đưa khoản chi phí quản lý, bảo trì và sửa chữa tuyến đường này vào phương án tài chính của dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Sau đó, do Quỹ bảo trì đường bộ hạn chế, không đủ kinh phí để sửa chữa Quốc lộ 5, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tiếp cho VIDIFI quản lý, bảo trì, sửa chữa Quốc lộ 5 từ năm 2016.

VIDIFI đã lên phương án sửa chữa Quốc lộ 5, trong đó đợt 1 bố trí khoảng 840 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách khoảng 30km đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đã hư hỏng nghiêm trọng (đã lập dự án sửa chữa, dự kiến triển khai trong năm 2019); đợt 2 sẽ bố trí từ 1.200-2.000 tỷ đồng (tùy theo tính khả thi của phương án tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định) để sửa chữa khoảng 60km các đoạn tuyến còn lại của Quốc lộ 5.

“VIDIFI đã trình cơ quan quản lý Nhà nước sửa chữa đợt 1 với kinh phí 840 tỷ đồng nhưng phải chờ duyệt mất 18 tháng và giờ mới xong thiết kế cơ sở. Tổng công ty sẽ đấu thầu, thi công vào cuối tháng 3/2019 và trước tiên sẽ sửa chữa 30km mặt đường, dải phân cách và 8 nút giao xuống cấp trầm trọng của Quốc lộ 5,” ông Tỉnh cho hay.

Bên cạnh đó, VIDIFI cũng tính toán số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.

Ông Tỉnh cho rằng, theo cơ chế thí điểm ban đầu do Thường trực Chính phủ quyết định, toàn bộ số thu phí Quốc lộ 5 được sử dụng để hỗ trợ hoàn vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, nhưng hiện nay, số thu phí Quốc lộ 5 trước mắt chỉ được tập trung sử dụng để phục vụ sửa chữa lớn cấp bách đường đã xuống cấp nghiêm trọng, bảo trì, duy tu thường xuyên (trong 30 năm).

“Nếu không tiếp tục thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại 2 trạm Quốc lộ 5, sẽ không có nguồn vốn để sửa chữa lớn, không có nguồn vốn để bảo trì, sửa chữa thường xuyên Quốc lộ 5,” vị Tổng giám đốc VIDIFI khẳng định.

Đề cập về việc nguồn vốn bảo trì đường bộ thiếu, không đủ bảo dưỡng cho các tuyến đường trên cả nước, ông Tỉnh cho rằng, các dự án do Nhà nước đầu tư nên thu phí để tạo nguồn tái tạo đầu tư vào dự án khác và vấn đề là thu mức nào cho hợp lý. Đơn cử như tại Australia, cầu Sydney vẫn thu phí để có tiền bảo dưỡng, bảo trì.

[‘Ông chủ’ đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam vẫn ‘còng lưng’ gánh nợ]

“Tại Quốc lộ 5, Nhà nước giao VIDIFI thu đề hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và cả quản lý, bảo trì và sửa chữa tuyến đường này. Thế nhưng, người dân hiểu sai cho rằng ‘làm đường một đằng, thu phí nẻo’ thì tốt nhất là Nhà nước thu rồi chuyển số tiền đó hỗ trợ cho nhà đầu tư,” ông Tỉnh bộc bạch.

Vào năm 2013, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký kết hợp đồng đầu tư dự án cải tạo Quốc lộ 5 với Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số tiền 794 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau gần hai năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án (đoạn qua thành phố Hải Phòng) đã hư hỏng, lún sụt, tạo thành những "sống trâu," gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Hiện, tuyến Quốc lộ 5 đã mãn tải, thường xuyên ùn tắc, thời gian di chuyển mất từ 3-4 giờ cho quãng đường 100km từ Hà Nội đến Hải Phòng, không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặt ra nhu cầu cần thiết phải xây dựng một tuyến đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục