Quốc hội XV: Tạo cú hích giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững

Đại biểu Quốc hội đánh giá các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển là cú hích đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa vùng, miền.
Quốc hội XV: Tạo cú hích giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững ảnh 1Các đại biểu Quốc hội thực hiện nghi lễ chào cờ tại phiên bế mạc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đánh giá về thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng những nội dung được đưa ra thảo luận đều hướng đến lợi ích của người dân, cũng như tạo cơ hội cho các địa phương chủ động trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế thông qua các cơ chế đặc thù.

Cơ hội phát triển cho các địa phương

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đánh giá Kỳ họp đã hoàn thành chương trình đề ra, với khối lượng công việc lớn, thực hiện đầy đủ các công tác lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng quốc gia.

Các phiên họp trực tuyến đều diễn ra nghiêm túc, đi sâu vào các nội dung cần thảo luận. Tinh thần này cũng được mang vào đợt họp tập trung, các đại biểu đã nghiên cứu kỹ lưỡng những nội dung họp, thảo luận kỹ càng để thống nhất quyết đáp nhiều vấn đề quan trọng.

Nổi bật là những quyết nghị về khắc phục thiệt hại của dịch COVID-19 gây ra, rút kinh nghiệm từ quá trình ứng phó vừa qua, để xác định những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đưa kinh tế phát triển, hội nhập sâu vào kinh tế thế giới và hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn; triển khai, cụ thể hoá các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Hiến pháp năm 2013. 

Trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, toàn diện, Quốc hội đã biểu quyết thông qua với sự nhất trí rất cao 2 luật, cho ý kiến với 5 dự án luật, ban hành 12 nghị quyết, trong đó có 11 nghị quyết chuyên đề và nghị quyết chung của Kỳ họp, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt; đồng thời, quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược, dài hạn.

Trong đó, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế được thông qua nhằm tạo cú hích đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững cho địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa vùng, miền.

Khi có cơ chế, chính sách trong tay, mỗi địa phương cần nỗ lực làm chủ quá trình vận động và phát triển, phát huy mạnh mẽ hơn nữa, không để thời gian qua đi, sự tham gia của Trung ương với địa phương bị bỏ phí.

Nói cách khác, những cơ chế, chính sách đặc thù này đến với địa phương phải được trân trọng, thực hành chủ động, sáng tạo nhằm bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi, tạo tiền đề tốt để áp dụng cho các địa phương khác.

Đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng trong các phiên thảo luận về dự án luật, tình hình kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phòng,chống dịch COVID-19 hay chất vấn và trả lời chất vấn, các chủ tọa đều điều hành sâu sát, tập trung và cụ thể.

[Toàn văn bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 2 của Chủ tịch Quốc hội]

Cách thức điều hành thảo luận đã giúp hướng tư duy, nhận định của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung cơ bản mà khâu quản lý Nhà nước phải hướng vào đó, để đáp ứng những yêu cầu của quá trình phát triển nước ta trong thời gian tới.

Trong chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đã điều hành linh hoạt, sâu sát, sắc sảo, qua đó giúp sử dụng hiệu quả thời gian họp của Quốc hội, đưa ra nhiều vấn đề đang là đòi hỏi cấp bách trong thực tế, được cử tri và người dân quan tâm.

Với những tiền đề từ Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XV, tôi tin tưởng vào chất lượng và hiệu quả cao của các kỳ họp tới đây.

Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) cho rằng những nội dung được đưa ra bàn thảo trong Kỳ họp luôn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trước mong đợi của cử tri và nhân dân.

Đại biểu đánh giá, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với lợi ích chính đáng của cử tri và nhân dân.

Điều này có thể thấy rõ, những điều đơn giản nhất của cuộc sống nhân dân đã được các đại biểu Quốc hội phản ánh, mang đến Nghị trường Quốc hội.

Đó là sự mong đợi chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, là cuộc sống mưu sinh của đồng bào dân tộc miền núi…

Bên cạnh những phản ánh về đời sống cử tri, nhân dân, các đại biểu Quốc hội cũng đóng góp các ý kiến có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt nêu nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Quốc hội XV: Tạo cú hích giúp địa phương phát triển nhanh, bền vững ảnh 2Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Tôi rất ấn tượng với công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến tại Kỳ họp lần này. Đơn cử những vấn đề Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc khi tham gia đóng góp ý kiến đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ngay tại Kỳ họp, giao cho Ban Dân nguyện xử lý kịp thời để phản ánh lại với cử tri và nhân dân,” đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu đánh giá trong phiên thảo luận tại Tổ về công tác xây dựng luật, nhiều ý kiến của Đoàn cũng được tiếp thu, giải trình rất cụ thể…

Công tác tổng hợp, tiếp thu ý kiến đại biểu một cách nhanh chóng, rõ ràng đã tạo thêm cho đại biểu Quốc hội có thêm nhiều góc nhìn “sắc” hơn đối với mỗi vấn đề; đồng thời, cũng là sự ghi nhận nỗ lực của các đại biểu Quốc hội khi những ý kiến phát biểu đều đã dành tâm huyết, thời gian để nghiên cứu vấn đề.

Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, không khí diễn ra rất sôi nổi, dân chủ, bảo đảm chất lượng.

Cử tri và nhân dân rất ủng hộ khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã chỉ rõ những vấn đề Chính phủ cần phải thực hiện trong thời gian tới và nêu rõ việc sẽ giám sát lại để xem hiệu quả sau chất vấn được thực hiện như thế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục