Quốc hội Việt Nam thảo luận về FTA với Nghị viện châu Âu

Đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, Nghị viện châu Âu ủng hộ việc ký kết FTA với Việt Nam vì điều này mang lại lợi ích cho cả Việt Nam, EU và ASEAN.
Đoàn Quốc hội Việt Nam làm việc với Nghị viện châu Âu. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, do phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Đức Mạnh dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels từ ngày 11-13/5.

Ngày 12/5, đoàn đã trao đổi với Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị viện châu Âu (INTA) về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ông Bernd Lange, Chủ tịch INTA và ông Jan Zahradi, phó Chủ tịch INTA trực tiếp phục trách về EU-Việt Nam đã đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay.

Chủ tịch và phó Chủ tịch INTA đều cho rằng Việt Nam không phải một nước nhỏ. Việt Nam là cửa ngõ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khu vực đang có nhiều lợi thế trong thế kỷ 21 mà EU muốn mở rộng quan hệ hợp tác.

Phó Chủ tịch INTA Jan Zahradi nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam rất năng động và phát triển nhanh trong khu vực. Môi trường chính trị-xã hội ổn định cùng tiềm năng của nền kinh tế là những lợi thế của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị viện châu Âu ủng hộ việc ký kết FTA với Việt Nam vì điều này mang lại lợi ích cho cả Việt Nam, EU và ASEAN.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ngô Đức Mạnh đã cảm ơn sự đón tiếp của Chủ tịch và phó Chủ tịch INTA và bày tỏ mong muốn INTA thúc đẩy để EU và Việt Nam có thể mau chóng hoàn tất đàm phán đi đến ký kết EVFTA để Việt Nam và EU có thể tăng cường hơn nữa trao đổi thương mại.

Trước đó, đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã có buổi trao đổi với ông Mauro Petriccione, Trưởng đoàn EU trong đàm phán EVFTA. Ông Mauro cho biết tiến trình đàm phán hiện hết sức khả quan và nhiều khả năng hai bên sẽ kết thúc đàm phán tại vòng cuối trong tháng 6/2015.

Phó Chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh yêu cầu bạn cung cấp thông tin liên quan đến một số vấn đề trong đàm phán như hàng dệt may, mua sắm chính phủ, lộ trình cắt giảm thuế.

Ông Mauro cho rằng tiến trình đàm phán hiện nay thể hiện đúng thực chất mong muốn của hai bên nhằm hướng tới một hiệp định thương mại đầy tham vọng, đột phá và tin rằng các vấn đề mà phó Chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh nêu lên sẽ được hai đoàn đàm phán tìm ra giải pháp chung.

Hai bên cần tiếp tục nỗ lực để cùng giải quyết những trở ngại trong quá trình phản biện từ các nhóm lợi ích, từ các tổ chức xã hội dân sự và giải trình để cơ quan lập pháp mỗi bên thông qua và phê chuẩn sớm khi Hiệp định được ký kết.

Phó Chủ nhiệm Ngô Đức Mạnh cho biết sẽ phản ánh những thông tin về đàm phán EVFTA tới Quốc hội Việt Nam, trên cơ sở đó sẽ thúc đẩy việc phê chuẩn sau khi Hiệp định được ký kết.

Cũng trong ngày 12/5, Tổng vụ Thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (EC) cũng tổ chức bàn tròn về EVFTA với đại diện các cơ quan thuộc EU, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự, với sự tham dự của ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström.

Các bên tham gia đã cùng trao đổi về những vấn đề liên quan đến thương mại, phát triển bền vững và nhân quyền trong quan hệ giữa EU-Việt Nam. Phát biểu tại hội nghị, ủy viên Cecilia Malmström nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa EU và Việt Nam cần ý kiến của các nhà vận động môi trường, công đoàn, những người ủng hộ nhân quyền và các công ty để góp phần làm cho hợp tác song phương EU-Việt Nam mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Bà Cecilia Malmström cũng khẳng định sẽ xem xét cẩn thận tất cả các khuyến nghị và khi thỏa thuận này có hiệu lực, vẫn cần sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong việc thực hiện, giám sát để đảm bảo việc thực thi hiệu quả giữa hai bên. Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Vương Thừa Phong đã tham dự tất cả các hoạt động này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục