Quốc hội Việt Nam cùng các nghị viện Pháp ngữ thúc đẩy quyền con người

Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 25/10, từ điểm cầu Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), làm trưởng đoàn đã tham dự Hội thảo về tăng cường vai trò của các nghị sỹ các nước thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ trong tiến trình thực hiện Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về quyền con người.

Hội thảo do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF), Tổ chức quốc tế pháp ngữ (OIF), Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR) phối hợp tổ chức. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu chính ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 25-26/10.

Hội thảo tổ chức lần này với sự tham dự của các nghị sỹ đại diện cho 17 quốc gia đã được rà soát chu kỳ 3 tại các phiên họp thứ 32, 33, 34 và 35 của Nhóm công tác UPR gồm Andorra, Albania, Armenia, Bulgaria, Campuchia, Comoros, Côte d’Ivoire, Dominica, Ai Cập, Guinea, Guinea-Bissau, Guinea Xích đạo, Lào, Bắc Macedonia, Madagascar, Cộng hòa Dân chủ Congo, Vanuatu và Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thách thức chính các quốc gia đối mặt là ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng, đồng thời bảo đảm các biện pháp ứng phó đó không vi phạm các quyền con người và quyền tự do của công dân.

UPR là cơ chế liên chính phủ của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, được thành lập từ năm 2008 cùng với sự ra đời của Hội đồng, có nhiệm vụ rà soát tổng thể các vấn đề nhân quyền các nước thành viên Liên hợp quốc, định kỳ 4,5 năm một lần.

Đây là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền, được thành lập với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch, không phân biệt, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết quốc tế về quyền con người.

Nguyên tắc hoạt động của Cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, đối xử bình đẳng, khách quan, minh bạch, xây dựng, không đối đầu, không chọn lọc và không chính trị hóa. Mục tiêu của Cơ chế UPR là cải thiện, thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về nhân quyền; tăng cường năng lực thực thi nhân quyền cho các quốc gia thông qua tham vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm.

Hội đồng Nhân quyền nhận định các nghị sỹ và nghị viện các nước với chức năng, nhiệm vụ theo luật định đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quyền con người, nội luật hóa các cam kết quốc tế, gồm cả việc hỗ trợ thực hiện các khuyến nghị của các cơ chế nhân quyền quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị được các quốc gia có liên quan thúc đẩy trong khuôn khổ UPR.

Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền (OHCHR), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Liên minh nghị viện Pháp ngữ (APF) phối hợp đồng tổ chức Hội thảo cho các nghị sỹ thuộc các nước thành viên Cộng đồng Pháp ngữ nhằm cung cấp thông tin cũng như tăng cường vai trò của các nghị sỹ trong việc thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là thông qua công việc của Hội đồng Nhân quyền và UPR.

[Việt Nam thực hiện cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người]

Hội thảo triển khai kết luận của Hội nghị Pháp ngữ lần thứ 5 về Cơ chế UPR tại Dakar năm 2018 về tăng cường sự tham gia của nghị viện các nước Pháp ngữ trong tiến trình thực hiện UPR.

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, nghiêm túc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam luôn coi trọng UPR trong tổng thể quá trình tham gia, đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 12 năm qua kể từ khi Cơ chế UPR được thành lập, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm vào cả 3 chu kỳ UPR. Tại UPR chu kỳ 3 vào tháng 1/2019, Việt Nam nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước, trong đó chấp thuận 241 khuyến nghị (hơn 83%). Đây là tỷ lệ chấp thuận cao so với mặt bằng chung của các quốc gia (tỷ lệ trung bình 2009-2018 của các nước đạt 73,33%).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế UPR chu kỳ 3 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc.

Tại hội thảo, phát biểu trong các phiên thảo luận về “Đóng góp của các nghị sỹ trong tiến trình UPR, thực hiện các khuyến nghị UPR” và “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với quyền con người,” Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Thúy Anh đã khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống người dân.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, cũng như nâng cao mức sống của người dân. Nhà nước dành nhiều nguồn lực đầu tư và tạo điều kiện cho khu vực tư tham gia phát triển giáo dục, y tế, khoa học công nghệ nhằm phát triển nền tảng để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên mọi khía cạnh, trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy và bảo đảm quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay.

Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người và tham gia đóng góp tích cực tại các diễn đàn Liên hợp quốc, các diễn đàn khu vực về quyền con người. Việt Nam đã hoàn thành rà soát theo cơ chế UPR chu kỳ 3 và đang tích cực triển khai các kiến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Việt Nam cũng là một trong những nước nòng cốt thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Hội đồng Nhân quyền.

Theo Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Thúy Anh, Quốc hội Việt Nam, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, có vai quan trọng vào việc bảo đảm và thực hiện quyền con người ở Việt Nam.

Thời gian qua, Quốc hội nỗ lực không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người; thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, thúc đẩy việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người.

Các điểm cầu trực tuyến tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN )

Thông tin tới hội thảo, Trưởng đoàn Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời thông qua Nghị quyết cho phép Chính phủ được ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của luật để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch; triển khai nhiều quyết định về nguồn lực, ngân sách quốc gia và nhiều biện pháp chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nghèo; thúc đẩy thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, nhưng đặt ưu tiên bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân dù phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt; mọi người dân được hỗ trợ bảo đảm đời sống, chăm sóc y tế, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục