Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước

Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước ảnh 1Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường chiều 12/6 để thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. (Ảnh minh họa: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Nội dung này đã được Quốc hội cho ý kiến trong cả ngày 13/6.

Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Trong ngày thảo luận đầu tiên, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.

[Phát huy tinh thần chống dịch COVID-19 trong phục hồi kinh tế]

Các ý kiến đã tập trung đánh giá, thảo luận về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019; về kinh tế và ngân sách nhà nước; tình hình triển khai kế hoạch năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018...

Bàn về các giải pháp, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với 9 nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 trong việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều ý kiến đề nghị cần thực hiện hiệu quả những giải pháp: bảo đảm nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng; cải cách chế độ công chức, công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, thi hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng; tập trung kích cầu du lịch trong nước sau đại dịch COVID-19…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục