Quốc hội tiếp hơn 6.000 lượt người khiếu nại, nhận hơn 31.000 đơn thư

Các cơ quan và Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp 6.125 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.751 vụ việc; nhận được 31.179 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 4.568 đơn so với 2022.

Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 22/11. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay, 22/11. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong năm qua (từ 1/8/2022 đến 31/7/2023), các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp 6.125 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.751 vụ việc; nhận được tổng số 31.179 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 4.568 đơn so với năm 2022.

Đây là thông tin được Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết sáng nay, 22/11, trong phần trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.

Số vụ việc, số lượt công dân khiếu nại tăng

Theo ông Bình, sau thời gian bị tác động của đại dịch COVID-19 và thực hiện các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội, tình hình công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội có xu hướng tăng trở lại và gần bằng với thời điểm trước đại dịch.

Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tăng 2.040 lượt người, tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại Địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội, số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.

Qua nghiên cứu, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường... Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…

Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tiếp 6.125 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.751 vụ việc, trong đó có 291 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã chuyển 1.139 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 321 vụ việc; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 4.291 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan nhận được tổng số 31.179 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 4.568 đơn so với năm 2022. Trong đó có 15.904 đơn khiếu nại; 4.191 đơn tố cáo; 11.084 đơn kiến nghị phản ánh. Qua phân loại, có 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý; 17.628 đơn không đủ điều kiện xử lý.

Đối với 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu các cơ quan đã chuyển 5.204 đơn đến các cơ quan hữu quan, cơ quan có thẩm quyền giải quyết (tăng 879 đơn so với năm 2022); ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời đối với 1.448 đơn; đang nghiên cứu, xử lý 1.186 đơn và tiếp tục lưu theo dõi đối với 5.713 đơn đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hết thẩm quyền, nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không có căn cứ.

Tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo

Bên cạnh tiếp công dân, nhận đơn thư và giải quyết, Quốc hội cũng thực hiện giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Kết quả giám sát cho thấy trong số 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự cần thực hiện rà soát lại việc giải quyết, đến nay có 856 vụ việc đã được rà soát, đạt tỷ lệ 85,3%. Trong số 150 vụ việc cụ thể mà tại báo cáo năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc rà soát lại việc giải quyết, đã có 76 vụ việc được giải quyết, còn 74 vụ việc đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định.

Duong Thanh Binh.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong năm 2023, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, giám sát và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với 257 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Trong số này có 102 vụ đã thống nhất kết quả giải quyết; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét, giải quyết đối với 155 vụ việc. Trong số 155 vụ việc đã kiến nghị, đến nay các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã xem xét, giải quyết và trả lời được 52 vụ việc, đang tiếp tục xem xét, giải quyết 103 vụ việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa cơ quan Tòa án và cơ quan Kiểm sát trong các hoạt động tố tung dân sự, tố tụng hành chính; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm.

Đối với 75 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Tòa án; 43 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Viện kiểm sát, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát theo thẩm quyền quan tâm giải quyết để kịp thời thông tin, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có việc hoàn thiện thể chế; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý. Trước mắt, cần tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh tại một số tỉnh Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo bộ, ngành Trung ương và địa phương xem xét, giải quyết các đơn nhận được trong kỳ báo cáo và thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với một số vụ việc cụ thể được đề cập tại báo cáo kỳ trước nhưng đến nay chưa được giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục