Ngày 7/7, Quốc hội Thụy Điển đã nhất trí tái bầu ông Stefan Lofven, lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội, làm Thủ tướng nước này, qua đó chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tuần qua tại Thụy Điển.
Tuy nhiên, ông Lofven vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn chính trị trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm sau.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thụy Điển bắt nguồn từ một dự án hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ bộ nhằm cải cách các biện pháp kiểm soát tiền thuê bất động sản và khả năng để ngỏ cho các chủ đất tự do ra giá thuê với những căn hộ mới được xây dựng.
[Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển đề xuất ông Stefan Lofven làm thủ tướng]
Đảng Trung tâm và Tự do ủng hộ cải cách tiền thuê bất động sản, song đảng Cánh tả lại phản đối đề xuất này và rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ thiểu số của Thủ tướng Lofven, kéo theo thất bại của ông Lofven trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 21/6. Một tuần sau đó, ông Lofven đã nộp đơn xin từ chức Thủ tướng.
Sau khi ông Lofven từ chức, cơ hội thành lập chính phủ được trao cho ứng cử viên cánh hữu đối lập Ulf Kristersson.
Tuy nhiên, ông Kristersson sau đó đã tuyên bố từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ do "các điều kiện không cho phép."
Ngày 1/7, Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Andreas Norlen lại giao nhiệm vụ cho ông Lofven tìm kiếm các khả năng thành lập chính phủ mới.
Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu mới nói trên, ông Lofven, 63 tuổi, tuyên bố ông vẫn sẽ từ chức một lần nữa nếu ngân sách không được Quốc hội thông qua vào mùa Thu tới./.