Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 26/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Với 377 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 76,32%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1/1/2016.
Nghị quyết giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Thừa phát lại và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề Thừa phát lại.
Các tổ chức Thừa phát lại được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại.
Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành Nghị quyết và chuẩn bị dự án Luật Thừa phát lại, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV./.