Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, chiều 26/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và cơ quan Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự bao gồm 10 chương, 73 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành.
Luật này quy định về nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Điều tra viên và các chức danh khác trong điều tra hình sự; quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát trong hoạt động điều tra hình sự; bảo đảm điều kiện cho hoạt động điều tra hình sự và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối tượng áp dụng của luật gồm: Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định Cơ quan Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Công an nhân dân, cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Về trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an (Điều 44 của dự thảo Luật), báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo Luật không quy định Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và có thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an hỗ trợ hoạt động điều tra.
Trên thực tế, nhiều trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an là cơ quan trực tiếp, đầu tiên tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, bảo vệ hiện trường, phát hiện bắt, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã lẩn trốn trên địa bàn và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để thực hiện hoạt động tố tụng.
Dự thảo Luật quy định chỉ giao cho các cơ quan này được tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và thực hiện một số hoạt động hỗ trợ cho điều tra là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà không xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nên không phải là hoạt động tư pháp.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11, Nghị quyết số 127/2004/NQ-UBTVQH11, Pháp lệnh số 30/2006/PL-UBTVQH11 sửa đổi Điều 9 của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành./.