Quốc hội Thái Lan bắt đầu phiên họp về chính sách của chính phủ mới

Phiên họp nóng ngay từ khi bắt đầu khi các nghị sỹ yêu cầu Thủ tướng Prayut không trình bày cương lĩnh chính sách theo kiểu tranh luận mà cần đọc rõ ràng giống như dự thảo được phân phát trước.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha phát biểu tại lễ tuyên thệ ở Bangkok ngày 11/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Quốc hội Thái Lan đã bắt đầu phiên họp kéo dài 2 ngày để Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trình bày cương lĩnh chính sách của Chính phủ mới và các nghị sỹ chất vấn tính thực tiễn của những chính sách này.

Phiên họp đã nóng ngay từ khi bắt đầu vào sáng 25/7 khi các nghị sỹ yêu cầu Thủ tướng Prayut không trình bày cương lĩnh chính sách theo kiểu tranh luận mà cần đọc rõ ràng giống như dự thảo được phân phát trước cho các nghị sỹ.

Truyền thông sở tại cho biết tại Quốc hội, Thủ tướng Prayut tuyên bố chính phủ sẽ đảm bảo thu nhập cho nông dân, cũng như thực hiện các biện pháp thích hợp để ổn định giá của nông sản.

Ông Prayut cũng khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục duy trì kỷ luật tài chính tiêu chuẩn cao, thực hiện cải cách thuế để mở rộng cơ sở tính thuế và tăng hiệu quả của hệ thống thu thuế.

Tại cuộc tranh luận sau đó, các nghị sỹ của phe đối lập đã chỉ trích các chính sách của chính phủ, nói rằng chính phủ của Thủ tướng Prayut chỉ đưa ra một đề cương chung chung mà không tiết lộ đủ các chi tiết cho các thành viên Quốc hội, ví dụ như về nông nghiệp.

[Tòa án Thái Lan chấp nhận các đơn kiện Thủ tướng Prayuth]

Có nghị sỹ cũng yêu cầu chính phủ nêu rõ những chi tiết về các chính sách kinh tế hướng tới mục tiêu bền vững kinh tế.

Thông tin công bố trên báo chí trước phiên họp Quốc hội cho biết cương lĩnh chính sách của Thủ tướng Prayut có mục tiêu đưa Thái Lan trở thành quốc gia phát triển thông qua 12 chính sách khẩn cấp và 12 chính sách dài hạn chủ yếu tập trung vào dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC).

Thủ tướng Prayut cũng cam kết đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong nhiệm kỳ của mình.

EEC là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan, trải rộng trên các tỉnh miền Đông là Chon Buri, Rayong và Chachoengsao với mục tiêu biến các tỉnh này thành những trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ được kết nối với các nước láng giềng ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không vào năm 2021.

Nội các mới của Thái Lan, gồm 39 ghế với 36 thành viên, tuyên thệ nhậm chức hôm 16/7, chính thức hoàn tất quá trình thành lập chính phủ dân sự do Thủ tướng Prayut đứng đầu sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3.

Theo Hiến pháp Thái Lan, trong vòng 15 ngày kể từ khi nhậm chức, chính phủ sẽ phải trình bày cương lĩnh chính sách trước Quốc hội, định hướng cho sự phát triển của đất nước trong 4 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục